Bộ Tư pháp vừa có báo cáo đánh giá hậu quả, tác hại của việc ban hành văn bản trái pháp luật gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, qua kiểm tra văn bản do các bộ ngành, địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật.
Trong đó, có tới 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.829 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai minh bạch; Giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội.
Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước từng bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" do có một số quy định không hợp pháp - Ảnh chụp màn hình
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ký, riêng trong năm 2017, số văn bản trái pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là 1.236 văn bản. Nội dung trái pháp luật của các văn bản này làm ảnh hướng tới tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật.
Ngoài ra, văn bản vi phạm quy định về nguyên tắc xây dựng pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấp vi phạm thẩm quyền ban hành văn bản để thể hiện sự "nhờn" luật, không nghiêm túc trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tư pháp dẫn chứng về một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện. Đồng thời có thể phát sinh thủ tục phiền hà, phức tạp trong quá trình cơ quan, tổ chức, cá nhân đến cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính.
Đặc biệt, một số văn bản có nội dung trái pháp luật đưa vào thực thi đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Bộ Tư pháp cũng đánh giá, việc ban hành và thực thi văn bản trái pháp luật gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan nhà nước và nguồn kinh phí ngân sách. Đặc biệt làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, hiện nay Nhà nước chưa có quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra, vì thế càng làm gia tăng bức xúc trong xã hội.
Để chấn chỉnh công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm trái pháp luật, Bộ tư pháp sẽ khẩn trương tham mưu quy định cụ thể việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu, ban hành văn bản trái pháp luật. Xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy hạm pháp luật theo quy định tại Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật.
Bình luận (0)