Chiều 7-3, Bộ Y tế đã công bố thêm 3 ca bệnh nhiễm Covid-19, nâng tổng số người nhiễm ở Việt Nam lên 20 trường hợp.
Chùm ca bệnh thứ 2 lây lan trong cộng đồng
Trong số này, ca bệnh thứ 18 là anh N.V.T (27 tuổi, cách ly tại Ninh Bình). Ngày 17-2, anh T. đi Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981, hạ cánh ở sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) ngày 4-3. Kết quả xét nghiệm ngày 7-3 cho thấy anh T. dương tính với Covid-19.
Cơ quan chức năng cách ly một đoạn phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) Ảnh: MINH CHIẾN
Chiều cùng ngày, ca thứ 19 và 20 nhiễm Covid-19 cũng được xác định. Đó là 2 người tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 - chị N.H.N (27 tuổi, trú quận Ba Đình, TP Hà Nội). Bệnh nhân thứ 19 là bà L.T.H (SN 1956, bác ruột của bệnh nhân N.). Bệnh nhân thứ 20 là anh D.Đ.P - lái xe của chị N.
Như vậy, tổng số ca nhiễm Covid-19 hiện là 20 trường hợp, trong đó 16 người đã khỏi bệnh, 4 người đang điều trị (3 người ở Hà Nội, 1 ở Ninh Bình). Đáng nói, chùm ca bệnh 3 người ở TP Hà Nội là chùm ca bệnh thứ hai có lây lan trong cộng đồng, sau chùm ca bệnh 7 người ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, được phát hiện và khoanh vùng hồi tháng 2 vừa qua.
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, cơ sở y tế đang cách ly, theo dõi chặt chẽ 101 người có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch và theo dõi sức khỏe hơn 23.300 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch.
Sau khi xuất hiện ca nhiễm thứ 17 sau 23 ngày không có ca mắc mới, sáng 7-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với các chuyên gia y tế để đánh giá tình hình dịch và sẵn sàng triển khai các giải pháp ứng phó.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ngay trong tối 6-3, khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 là chị N.H.N, bộ đã phối hợp chặt chẽ với TP lập danh sách những người từng tiếp xúc với bệnh nhân này để tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. "Trên cơ sở làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và kiểm tra khu vực cách ly, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia y tế nhận định: Mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Vì vậy, chúng tôi mong người dân yên tâm, không nên quá hoang mang. Hãy bình tĩnh và tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch của các cơ quan chuyên môn" - GS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Nâng bậc cách ly, mở rộng giám sát y tế
Sau khi phát hiện ca bệnh thứ 17, sáng 7-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội đã có cuộc họp. Tại đây, đại diện Công an TP cho hay đã phối hợp chính quyền địa phương phong tỏa khu phố Trúc Bạch, nơi bệnh nhân N.H.N lưu trú; đồng thời rà soát những người có liên quan.
Còn theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, gần 200 người đã được điều tra, nắm danh sách và đưa đi cách ly. TP Hà Nội cũng quyết định nâng một bậc cách ly, tức người trong diện cách ly tại nhà vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết cơ quan chức năng đang phối hợp với sân bay Nội Bài thu thập thông tin 217 hành khách và phi hành đoàn đi cùng chuyến bay từ Anh về TP Hà Nội với bệnh nhân N. để lên phương án cách ly, giám sát sức khỏe theo quy định. Trong số này có 149 người nước ngoài, 48 người Việt Nam (20 người ở TP Hà Nội, còn lại ở nhiều tỉnh, thành khác).
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cho hay đã trích xuất dữ liệu chuyến bay VN0054 và số hành khách trên chuyến bay. Cục đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch gửi danh sách người tiếp xúc gần với bệnh nhân N. cho các địa phương để tiến hành cách ly. Danh sách 149 người nước ngoài ngồi cùng chuyến bay cũng được cục chuyển đến các đơn vị liên quan để thực hiện kiểm soát.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng lo ngại Bệnh viện Hồng Ngọc trở thành "ổ dịch" lây bệnh ra cộng đồng vì có 17 y - bác sĩ của bệnh viện này đã tiếp xúc với bệnh nhân N. Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu bệnh viện dừng hoạt động, các bệnh nhân ở đây được khuyến cáo không ra viện. Hơn 500 người của bệnh viện được tổ chức cách ly riêng tại một địa điểm ở quận Long Biên.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Y tế hướng dẫn ngay cho các bệnh viện trên địa bàn bố trí khu khám riêng cho những bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, đau họng cũng như phổ biến kiến thức cho người dân về các dấu hiệu nhiễm Covid-19 để đi khám đúng khu vực quy định, tránh nguy cơ lây nhiễm.
Đã có kinh nghiệm ứng phó
Về cơ chế lây lan, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định ca bệnh vừa xuất hiện ở TP Hà Nội đã nằm trong kịch bản, đây là trường hợp bệnh xâm nhập, đi từ nước ngoài về. "Trường hợp này giống như đã xảy ra ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nên chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó. Kiểm soát được những người tiếp xúc, chúng ta sẽ ngăn chặn, không để Covid-19 lây nhiễm rộng ra cộng đồng" - ông Trần Đắc Phu khẳng định.
Nói về nguy cơ lây lan cho những người khác trên chuyến bay có ca bệnh này, ông Trần Đắc Phu cho biết khả năng lây lan trên máy bay hạn chế hơn so với lây nhiễm trong phòng kín hay tiếp xúc gần ở ngoài trời. "Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo trong trường hợp có ca nhiễm trên máy bay thì chỉ cách ly y tế đặc biệt đối với người ngồi ở hàng ghế trước và hàng ghế sau" - ông Phu nói.
Phân tích thêm nguy cơ lây lan bệnh Covid-19, PGS-TS Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết virus SARS-CoV-2 chỉ lây nhiễm khi có 2 yếu tố: nồng độ virus ở trong người bệnh lớn; những người tiếp xúc với người bệnh có sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền. Với người khỏe mạnh có khả năng chống đỡ, dù có tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 cũng chưa chắc đã mắc bệnh.
Bình luận (0)