Ngày 2-5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã công bố chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017.
Nhiều bộ thăng hạng
Theo kết quả công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dẫn đầu danh sách về chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2017 với 92,36%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, NHNN dẫn đầu danh sách.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đã tụt 7 bậc, xuống vị trí 18/19 với điểm số 72,4% (năm 2016 xếp thứ 11/19). Đứng cuối danh sách là Ủy ban Dân tộc với 72,13%. Trong khi đó, các bộ: Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Công Thương, Ngoại giao thăng hạng với điểm số cao.
Đứng đầu bảng xếp hạng CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành là tỉnh Quảng Ninh, đứng thứ hai là TP Hà Nội. Quảng Ninh đã vượt lên vị trí dẫn đầu do những nỗ lực trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mạnh mẽ, mang tính đột phá. Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm thành lập trung tâm hành chính công. Quảng Ngãi có chỉ số CCHC thấp nhất với 59,69 điểm và cũng là đơn vị duy nhất có kết quả dưới 60%.
Từ bộ chỉ số được công bố, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá công tác CCHC của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, chuyển biến quan trọng nhất là công tác xây dựng, ban hành thể chế, cải cách các quy định thủ tục hành chính và trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cũng đạt kết quả tốt.
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế trong CCHC như: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan trong CCHC chưa cao, chưa quyết liệt triển khai, còn tình trạng quá hạn, xin lùi thời gian hoàn thành.
Theo Phó Thủ tướng, tỉ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trễ hẹn xảy ra phổ biến ở một số bộ, ngành và địa phương; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng lãnh đạo nhiều hơn công chức.
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại bệnh viện. Ảnh: Ngọc Dung
Ngành y tế sẽ nỗ lực cải thiện
Từ chỉ số CCHC được công bố trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có phương án khắc phục hạn chế để đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện CCHC với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Phản hồi về việc Bộ Y tế đứng áp chót về chỉ số CCHC, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, cho rằng vẫn còn những điểm về CCHC của bộ chưa được đánh giá đúng, kéo theo điểm số của bộ này bị giảm mạnh. Từ đánh giá này, Bộ Y tế sẽ quyết liệt hơn trong việc CCHC. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần giữ sự ổn định bộ chỉ số để đánh giá tiến bộ của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần bám sát các hoạt động thực tế của các bộ, ngành chứ không phải đánh giá chung bởi chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành khác nhau.
Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế, cho biết theo kế hoạch CCHC năm 2018, bộ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo theo dõi thi hành pháp luật…; thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đơn giản hóa theo các thủ tục…
Ngoài ra, để cải thiện thứ hạng trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước và trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ông Tác cũng cho biết để việc CCHC của Bộ Y tế được thực hiện mạnh mẽ hơn thì nhiệm vụ này sẽ được gắn vào điểm thi đua, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Đánh giá về chỉ số này, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho rằng điểm số đã "chấm" khá sát thực tế CCHC ở Bộ Y tế. Điểm số này sẽ giúp Bộ Y tế xem lại công tác CCHC để có sự thay đổi vì chỉ sau 1 năm, Bộ Y tế đã tụt tới 8 bậc.
Còn tình trạng công chức sách nhiễu, vòi tiền
Bộ Nội vụ đã đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành (chỉ số SIPAS 2017) dựa trên số phiếu của 31.000 người. Kết quả cho thấy gần 81% người được hỏi hài lòng với sự phục vụ hành chính, trong khi gần 3,4% khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu lúc giải quyết công việc. Gần 2% cho rằng công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định.
Bộ chỉ số SIPAS 2017 phản ánh tình trạng người dân phải đi lại rất nhiều lần mới giải quyết xong thủ tục hành chính. Cụ thể, khoảng 2,5% phải đi lại 5-6 lần và 2,5% đi lại 7 lần mới giải quyết xong công việc.
Bình luận (0)