Những ngày này, giá lúa tại ruộng đang tăng cao, thương lái tìm đến nơi thu mua với số lượng lớn nên nhiều nông dân ở An Giang vô cùng phấn khởi.
Giá lúa cao, nông dân ở An Giang phấn khởi thu hoạch. Ảnh: VĨNH KỲ
Bất ngờ giá lúa, xuất khẩu gạo
Ông Huỳnh Bảo Kiệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu - cho biết gia đình ông mới thu hoạch 6 ha lúa. Đến nay, toàn xã thu hoạch được khoảng 200 ha, năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha.
"Năm rồi hoặc những năm trước, giá lúa cao nhất chỉ 6.800 đồng/kg nhưng năm nay giá lúa lập đỉnh. Mấy ngày qua, nông dân trong xã bán được từ 7.200 - 7.300 đồng/kg, ai cũng mừng vì có lợi nhuận cao hơn mấy vụ rồi" - ông Kiệt hồ hởi nói.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp An Giang, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 2.000 ha lúa, ước năng suất bình quân 5,66 tấn/ha. Các huyện thu hoạch nhiều là Tri Tôn và Tịnh Biên. Hiện nay, An Giang đang xây dựng và phát triển rất mạnh mô hình gắn kết nông dân với doanh nghiệp, tạo sự ổn định trong sản xuất và tiêu thụ. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và dần hình thành vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm 2022 được xem là năm thành công của Tập đoàn Lộc Trời khi xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. Ngay từ tháng 10-2022, tập đoàn này đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU và sẽ được giao trong quý II/2023. Đến nay, Tập đoàn Lộc Trời gắn kết chặt chẽ với nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu lên đến 210.000 ha tại An Giang và Kiên Giang.
Tập đoàn Tân Long cũng đã ký thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo với tỉnh An Giang trong năm 2022 là 10.000 ha, năm 2023 là 15.000 ha. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long còn tổ chức thu mua sản lượng lúa của nông dân An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ. Từ những mối liên kết sản xuất bền vững này, nông dân An Giang ngày càng yên tâm sản xuất để hướng đến những vụ mùa bội thu, được mùa và được cả giá.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến cuối tháng 1, vụ đông xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,47 triệu ha/1,51 triệu ha kế hoạch. Trong đó, diện tích thu hoạch mới khoảng 202.000 ha. Hiện giá lúa đông xuân tại ĐBSCL tăng từ 500-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Thương lái Nguyễn Công Lý (ngụ huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết lúa IR 50404 tươi tại ruộng hiện được ông thu mua với giá 6.600 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 giá 7.000 đồng/kg và lúa ST25 7.600 đồng/kg.
Với giá này, trung bình mỗi công, nông dân lãi từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng. Giá lúa tăng do sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trả đơn hàng cho các đối tác ký kết từ năm 2022 chuyển sang nên đã đẩy mạnh thu mua làm cho thị trường lúa gạo sôi động. Ngoài ra, diện tích thu hoạch cũng còn ít so với diện tích gieo sạ, lượng cung ra thị trường hạn chế, cũng góp phần giúp giá lúa tăng.
Thương lái tấp nập thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: VĨNH KỲ
Yên tâm sản xuất
Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000 ha, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 đạt 1,3 tỉ USD. Với những lợi thế trên, tỉnh cực Nam Tổ quốc được xem là vùng "thủ phủ" tôm, cua của cả nước. Nghề nuôi tôm đã giúp đời sống người dân không ngừng được nâng cao.
Chỉ tay về ao tôm vừa mới thu hoạch, ông Lê Nguyễn (30 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh so với trước Tết. Cụ thể, tôm thẻ loại 30 con/kg được thương lái thu mua với giá 215.000 đồng/kg; 40 con/kg giá 146.000 đồng; 25 con/kg giá 250.000 đồng/kg.
"Hộ nuôi tôm ai cũng vui bởi giá tôm thẻ tăng từ 10.000 - 50.000 đồng/kg. Nhờ bán tôm được giá cao nên đợt này sau khi trừ hết chi phí, tôi thu về hơn 700 triệu đồng" - ông Nguyễn thông tin.
Nông dân Cà Mau thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: VÂN DU
Chung niềm vui với các hộ nuôi tôm, ông Nguyễn Văn Điệp (67 tuổi; ngụ huyện Cái Nước) cho hay ông có hơn 7 năm gắn bó với nghề nuôi cá kèo thương phẩm. Tuy nhiên, đây là lần đầu ông bán được mức giá cao "kỷ lục".
"Thời điểm này năm trước, cá kèo được thương lái mua chỉ 65.000 đồng/kg, còn giờ lên đến 140.000 đồng/kg. Vụ này, gia đình tôi thu về lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Hy vọng, thời gian còn lại giá các mặt hàng nông, thủy sản sẽ tiếp tục tăng cao để người dân có thể yên tâm sản xuất" - ông Điệp kỳ vọng.
Theo lý giải của nhiều lão nông, giá cá kèo tăng cao là do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường về mặt hàng này hiện nay là rất lớn. Trước đó, không ít hộ nuôi ở Cà Mau chuyển sang nuôi các loài khác vì không tiếp cận được nguồn cá kèo giống và giá cao.
Ở thời điểm này, cá tra thương phẩm size 0,8 kg/con giá gần 30.000 đồng/kg, size từ 1 - 1,2 kg/con giá 31.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg. "Cá tra nguyên liệu đang có giá và dự kiến còn tăng nữa vì sau thời gian dài thua lỗ nông dân treo ao nên diện tích nuôi thu hẹp, nguồn cung ít đi. Tôi đang nuôi 3 ao, đã có lứa thu hoạch nhưng vẫn chưa vội bán vì neo chờ giá tăng lên bù lại cho khoảng thua lỗ mấy năm nay" - ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cho biết.
Trong khi đó, người trồng chôm chôm cũng vui mừng không kém khi loại cây ăn trái này được thương lái và công ty thu mua với giá từ 21.000 - 25.000 đồng/kg (chôm chôm Java), chôm chôm nhãn từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, chôm chôm Thái từ 50.000 - 51.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022). "HTX đã bán khoảng 800 tấn chôm chôm các loại nhưng nhiều nhất là chôm chôm Java.
Có một công ty hợp đồng với HTX, họ đến đây hái tại vườn và vào 10 kg/bịch để xuất khẩu đi Trung Quốc hoặc bán nội địa. Chôm chôm năm nay có giá do thị trường Trung Quốc mở cửa. Với giá trung bình 20.000 đồng/kg thì nhà vườn lãi 10.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí" - ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, Vĩnh Long), phấn khởi nói.
Triển vọng với cá tra
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra có triển vọng khả quan hơn trong năm 2023, nhờ những tín hiệu tích cực từ 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ. Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra. Năm nay, Mỹ tăng hạn ngạch cá minh thái thêm 16% lên gần 1,5 triệu tấn nhưng chưa thể đáp ứng ngay cho nhu cầu trước mắt.
Đối với cá rô phi, chiến tranh thương mại và dịch COVID-19 vẫn phần nào hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Do vậy, cá tra vẫn nhìn thấy điểm sáng tại thị trường này. Ngoài ra, kinh tế Mỹ có tín hiệu hồi phục nhẹ, lượng tồn kho giảm và các yếu tố cung - cầu có thể sẽ kích thích các đơn hàng cho cá tra tăng trở lại từ sau Tết Nguyên đán. Trong nước, giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại từ sau Tết.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)