Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ thông báo công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký về việc giảm giá vé trạm thu phí dịch vụ Km2079+535, thuộc dự án BOT mở rộng quốc lộ 1, đoạn Cần Thơ – Phụng Hiệp (BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp). Theo đó, giảm từ 7-15% đối với tất cả các loại vé qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.
Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ (phải) thông báo về việc giảm giá vé qua trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Ảnh: LÊ KHÁNH
Đối với phương tiện vùng lân cận, phạm vi giảm giá thuộc 2 địa phương phường Ba Láng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) sẽ giảm giá vé từ 30-35% và giảm 100% cho xe buýt.
Tại buổi đối thoại, nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh với Sở GTVT, chủ đầu tư rằng họ đã chịu đựng BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp gần 2 năm nay.
Một chủ doanh nghiệp cho biết BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp thu phí từ tháng 4-2016. Khi đó, người dân đã ý kiến về việc thu giá vé quá cao nhưng đến nay mới chịu giảm. Người dân sống quanh khu vực tram thu phí chỉ đi qua vài trăm mét đường cũng phải đóng phí toàn tuyến là không hợp lý.
Sau gần 2 năm thu phí, nay BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp mới giảm giá vé. Ảnh: LÊ KHÁNH
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng cho biết trên địa bàn phường Ba Láng có khoảng 300 xe. Sở sẽ tập hợp báo cáo UBND TP Cần Thơ trình lên Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT để thực hiện giảm giá vé cho người dân trong tháng 12 này.
Đại diện chủ đầu tư, Sở GTVT TP Cần Thơ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, tổng hợp báo cáo UBND TP Cần Thơ để trình lên Bộ GTVT quyết định.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, kể từ ngày trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đi vào hoạt động từ giữa tháng 4-2016 đến nay, các ngành chức năng chưa ghi nhận tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phản ứng tại chỗ giá thu phí của trạm BOT này như BOT Cai Lậy. Sở dĩ có chuyện này là vì cách trạm thu phí khoảng 1km có tuyến đường nông thôn rẽ từ quốc lộ 1A đoạn phường Ba Láng đến phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để đi về thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tuyến đường này cũng có ngã rẽ trở ra quốc lộ 1 nên trở thành trục "lộ chính", hàng ngày phải gồng mình chịu đựng hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn lượt xe tải và xe ô tô khách qua lại. Theo người dân sinh sống ở đây cho biết từ sáng đến tối, các loại xe ô tô, xe khách, xe tải né trạm BOT cứ nối đuôi nhau ùn ùn chạy vào, bất chấp biển báo cấm xe quá tải ở đầu con đường.
Sau gần 2 năm bị "cày", hiện nay con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Có những chỗ không còn là "ổ voi", "ổ gà" mà là những cái hố sâu khoảng 2 tấc và dài hơn 1m.
Bình luận (0)