Ngày 14-10, ông Trần Văn Bon, giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, cho biết thông tin về BOT đường thủy nội địa nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An vẫn chưa được Bộ GTVT quyết định theo hình thức BOT hay theo hình thức vốn Dự án phát triển đồng bằng Sông Cửu Long, vì chờ thông tin Bộ nên sở chưa rõ.
Tỉnh chỉ tham gia có ý kiến nhưng do BOT còn nhiều luồng dư luận nên Bộ vẫn chưa quyết định. Giai đoạn 1 nạo vét xây kè, làm đường dọc tuyến kênh... giáp Long An đã thực hiện xong bằng nguồn vốn ngân sách. Giai đoạn 2 còn 11 km qua địa bàn huyện Chợ Gạo chưa làm, chỉ làm được một đoạn huyện Gò Công Tây. Bộ GTVT đang nghiên cứu nhưng chưa quyết.
Tuy chưa quyết đầu tư theo hình thức nào nhưng đã có nhiều ý kiến cho rằng BOT trên bộ còn gặp phải phản ứng từ người dân thì nay lại có thêm BOT dưới sông làm chủ phương tiện lo lắng.
"Sông thông thoáng chứ còn kẹt đâu"
Sáng 14-10, có mặt tuyến kênh Chợ Gạo đoạn qua huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, theo ghi nhận của phóng viên, từ khi có thêm cầu Chợ Gạo mới, khoang thông thuyền rộng lớn nên việc tàu bè qua lại rất thông thoáng. Đôi lúc có khi sà lan đi cả hai chiều qua cầu này đều tránh nhau rất thoáng, không có tình trạng kẹt tàu như trước khi chưa làm cầu Chợ Gạo.
Còn phía cạnh cầu Chợ Gạo mới thì cầu cũ cũng đã được mở rộng, cùng lúc nhiều tàu, sà lan loại lớn tránh nhau cũng thông thoáng. Nghe có dự án BOT "đường thủy" sắp được Bộ GTVT quyết ở tuyến kênh này nhiều chủ sà lan cho biết họ rất lo lắng vì hiện nay không còn tình trạng kẹt tàu như mấy năm trước.
Ông T.D.N, một chủ sà lan ở phường 6, thành phố Mỹ Tho, cho biết: "Mấy năm trước có tình trạng kẹt kênh Chợ Gạo ngay cầu là do lòng cầu hẹp, khoang thông thuyền nhỏ. Bây giờ đã có cầu mới, hai năm nay có kẹt ngày nào đâu mà phải BOT. Nhiều người cứ nói lấy lý do nạo vét lòng kênh mà tại sao tỉnh Tiền Giang cho nhiều doanh nghiệp nạo vét dòng sông ở những nơi có cát mà không chỉ định họ phải nạo vét kênh Chợ Gạo? Những nơi nào có cát là xin nạo vét để hút cát, còn kênh Chợ Gạo không có cát nên phải BOT rồi thu tiền chúng tôi?"
Tuyến kênh Chợ Gạo rất thông thoáng vào sáng 14-10, nơi mà có khả năng sẽ có BOT đường thủy
Còn ông T.V.D, chủ doanh nghiệp ở tỉnh Long An có nhiều phương tiện là sà lan đi ngang tuyến kênh Chợ Gạo, cũng bức xúc: "Giai đoạn 1 đã thi công xong bằng nguồn tiền ngân sách. Bây giờ chỉ còn 11 km qua huyện Chợ Gạo cho Bộ GTVT cho làm theo hình thức BOT là chưa thuyết phục được dân. Chỉ có 11 km nữa là xong mà làm theo BOT là sẽ gây bức xúc trong dân không kém gì BOT Cai Lậy đâu".
Dự án BOT 2.200 tỉ hay 1.400 tỉ?
Dự án sẽ nạo vét mở rộng phía bờ Nam đoạn Chợ Gạo từ Km12+000 - Km21+700; kè kết cấu thảm đá dày 30cm bờ Nam kênh Chợ Gạo đoạn Km12+000 - Km21+300; kè đứng phía bờ Nam đoạn thị trấn chợ Gạo, phạm vi từ Km21+300 - Km21+900, dài khoảng 600m, kết cấu cừ ván BTCL DUWL SW940 đồng thời xây dựng mới khoảng 23 cống thoát nước và trạm thu phí. Tổng vốn mức đầu tư dự án này là 2.200 tỉ đồng. Dự án có chiều dài 28,687 km, với tổng mức đầu tư là 2.263,7 tỉ đồng.
Phân kì thực hiện đầu tư dự án theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2013 -2015) với mức đầu tư là 787 tỷ đồng, giai đoạn 2 (từ năm 2016 - 2017) là 1.477. Theo đề xuất, nhà đầu tư chỉ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trong tải toàn phần lớn hơn 100 tấn; đối với phương tiện chuyên dùng quy đổi 1 mã lực tương đương 1 tấn trọng tải; đối với tàu chở khách quy đổi 1 ghế hành khách tương đương 1 tấn trọng tải, 06 giường nằm tương đương 06 ghế hành khách.
Mức thu phí là 50 đồng/tấn/km, tương đương 1.430 đồng/tấn (tính trên chiều dài kênh là 28,6 km); tăng phí 3 năm một lần, mỗi lần tăng 3%. Dự kiến, Dự án thu phí thủ công trực tiếp tại các trạm thu phí, kết hợp thu phí qua đăng kiểm, hệ thống cảng vụ và công nghệ không dừng công nghệ ETC. Nhà đầu tư có thể đề xuất các phương án thu phí khác mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Bình luận (0)