Theo báo cáo ước tính của Bộ Tài chính, kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách đến tháng 10 mới được 74,3%, trong đó một số thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương mới đạt khoảng 70% dự toán, thực chất vấn đề bội chi nợ công không giảm và đang là gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Thu chi ngân sách đang là vấn đề rất cam go cần giải quyết, Bộ Tài chính đưa ra rất nhiều biện pháp gắng thu để bù chi. Mới đây, để đạt được nhiệm vụ trên, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tăng cường thanh - kiểm tra, sao cho nâng mức truy thu bình quân trên mỗi cuộc thanh - kiểm tra. Bên cạnh đó, lựa chọn những đơn vị có rủi ro cao, có tiềm năng truy thu vào ngân sách lớn để tập trung lực lượng thực hiện. Như vậy, thay bằng giảm chi, Bộ Tài chính lựa chọn tận thu, điều này sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế (người dân và doanh nghiệp) giảm sút trong chu kỳ sản xuất sau.
Trong khi ngân sách gặp khó khăn thì chính quyền một số địa phương nghĩ ra đủ cách để "xí phần" từ ngân sách. Gần đây, Cần Thơ định đề xuất bù lỗ đường bay cho các hãng hàng không. Xin chất vấn mấy vấn đề:
Tiền ngân sách là tiền của dân, là từ thuế, từ đi vay hoặc từ tài nguyên, tại sao chính quyền không đứng về phía người dân mà lại thản nhiên đưa ra đề nghị lấy tiền của dân để bù lỗ cho doanh nghiệp? Ngành hàng không cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác vận hành theo cơ chế thị trường, hoạt động dựa trên quan hệ cung - cầu của thị trường; nếu có chính sách tốt, quản lý tốt thì làm có lãi, nếu quản lý tồi, nhìn nhận sai về cầu thì lỗ, doanh nghiệp phải chịu, sao bắt dân chịu?
Tại sao là doanh nghiệp này mà không phải doanh nghiệp khác? Nhiều doanh nghiệp từ nhà nước đến dân doanh cũng rất muốn bù lỗ! Doanh nghiệp phải tác động thế nào để chính quyền địa phương "lưu ý" đến để đưa ra đề xuất bù lỗ cho mình?
Sử dụng tiền của dân (ngân sách) để bù lỗ thì người dân được gì? Hay giá vé vẫn thế, dịch vụ vẫn thế?
Theo lý giải của chính quyền, bù lỗ là để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, để tăng tour, tăng lượng khách đến Cần Thơ. Điều này tỉnh đã làm nghiên cứu nghiêm túc hay chưa? Doanh nghiệp lỗ là do đâu? Do quản lý yếu kém hay do không đánh giá đúng nhu cầu? Liệu bù lỗ có thu hút được khách và nhà đầu tư nước ngoài không hay trông vào may rủi? Thu hút nhà đầu tư nước ngoài rồi sẽ ra sao hay lại miễn, giảm thuế và cho một loạt ưu đãi khác? Như vậy, người dân Việt Nam đã nghèo khổ lại phải đóng góp để làm giàu cho nhà đầu tư nước ngoài?
Hơn nữa, theo phương pháp tính GDP thì các khoản bù lỗ này sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRP) một khoản tương ứng (GDP = tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm - trợ giá bù lỗ từ ngân sách), nếu những kỳ vọng kiểu may rủi không mang lại hiệu quả thì hàng năm GDP và ngân sách sẽ hụt một khoản. Khi ngân sách nhà nước phải chi những khoản như thế thì người dân và doanh nghiệp sẽ bị thanh và kiểm nhiều hơn và như vậy là đi ngược lại chủ trương Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đã đưa ra. Ngoài ra, đề xuất này có thể vi phạm Luật Ngân sách về mục đích chi.
Cũng không thể lý luận theo kiểu của Cục Hàng không vì sẽ có nhiều tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng lý lẽ giống vậy để xin bù lỗ và tất cả những cái lỗ này, nạn nhân phải chịu lại là người dân. Nên thực hiện nghiên cứu nghiêm túc trước khi đưa ra một vấn đề nào đó chứ đừng mang nước ngoài ra lòe dọa, so sánh, vì tình hình kinh tế Việt Nam rất khác các nước, thu nhập người dân cũng khác, độ minh bạch cũng khác và được hưởng lợi từ thuế mà họ đã đóng góp cũng rất khác. Khi người dân cảm thấy tiền của họ đóng góp cho nhà nước quay lại giúp ích cho họ và những người sử dụng tiền ngân sách không chi dùng tiền của họ sai mục đích thì họ sẽ tự giác đóng thuế!
Bình luận (0)