Trong thời gian trông chờ các dự án công viên được xây mới, người dân tìm kiếm nhu cầu giải trí tại các trung tâm văn hóa - thể dục thể thao, nhà thiếu nhi các địa phương ở TP HCM. Thế nhưng, nhiều địa điểm trên đang xảy ra tình trạng... vừa đến đã muốn quay đi!
Đua nhau làm dịch vụ
Vừa đến cổng Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao quận Tân Phú (đường Lũy Bán Bích), nhân viên bảo vệ đã chặn chúng tôi bằng nhiều câu hỏi. Khi biết chúng tôi muốn tìm lớp học cho con, người này liền đưa ra một danh mục các lớp học, thời gian và mức học phí. Theo đó, Trung tâm Văn hóa - Thể dục Thể thao quận Tân Phú có các lớp võ (cổ truyền, karatedo, aikido…), cờ vua, quần vợt, nhạc cụ dân tộc với mức học phí khác nhau.
Vào bên trong, chúng tôi thấy ngoài phần sân với diện tích khiêm tốn mà người dân có thể tự do thụ hưởng, còn lại rất khó tìm ra hình thức giải trí nào khi đến đây. Phần lớn mặt bằng của trung tâm dành cho những lớp học trả phí. Lầu trên cùng có lớp boxing khá sôi động, thậm chí tầng hầm cũng được tận dụng phần lớn để mở lớp tạ thể hình.
Có 2 trụ bóng rổ trong khoảnh sân hẹp (bị bao bọc bởi nhiều ôtô, xe máy - PV) có thể tập luyện nhưng cũng không phải là vào mọi thời điểm. "Mình chỉ được chơi bóng rổ đến 18 giờ thì phải trả sân cho lớp học võ. Có muốn chơi thêm cũng không được, đành chịu vì đây là sân miễn phí mà" - một bạn trẻ nhà ở đường Độc Lập (quận Tân Phú) nói.
Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, TP HCM “nở rộ” các lớp học, chẳng còn chỗ để người dân hưởng thụ. Ảnh: ANH VŨ
Đến Trung tâm Văn hóa quận 5 (đường Trần Hưng Đạo), cảm giác gây sốc đầu tiên là quy mô của quán "Koi Garden Coffee" án ngữ trên phần đất phía bên trái trung tâm. Khách đến uống cà phê thì được chạy xe thẳng vào bên trong mà không cần phải gửi. Đối diện quán cà phê hạng sang này là một quán cà phê cóc dựng tạm bợ bằng vài cây dù. Trên phần sân còn lại có cả chục ôtô đậu tràn lan.
Theo tìm hiểu, Trung tâm Văn hóa quận 5 còn được một đơn vị thuê lại phần sân làm địa điểm dạy lái ôtô. Trong khi đó, các hoạt động chính của trung tâm lại khá nghèo nàn và lặng lẽ. Nhiều phòng ở đây đóng kín hoặc cho thuê tập gym, yoga... Thư viện với hơn 20.000 đầu sách ít khi mở cửa, im lìm và đìu hiu.
Ông Trần Văn Chung (ngụ quận 5) cho biết nơi đây chỉ nhiều người vào dịp lễ hội hay Tết, còn ngày thường chẳng mấy ai đến. "Dịp nào triển lãm, văn nghệ, ngày hội sách thì sôi động lắm nhưng một năm tổ chức được vài lần; còn bình thường thì không có gì. Vào uống cà phê rồi ngắm cá koi thì được" - ông Chung nói.
Nhiều trung tâm văn hóa của các địa phương khác cũng đang rơi vào tình trạng bị thay đổi công năng, dần trở thành nơi để người kinh doanh thuê địa điểm. Chúng tôi tới Trung tâm Văn hóa quận 4 (đường Bến Vân Đồn), thấy nhiều điểm được dùng để mở phòng tập gym hoặc các lớp dạy năng khiếu. Vòng qua Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh (đường Lê Văn Duyệt), địa điểm này cũng "nở rộ" đăng ký tập gym, dạy cắt - uốn tóc, dịch vụ in ấn quảng cáo, cho thuê buôn bán hoa, cây cảnh... "Trong năm cũng chỉ có vài hoạt động sôi nổi. Còn ngày thường chẳng có gì để sinh hoạt, giải trí" - bà Bùi Thị Thu Nga (ngụ quận Bình Thạnh) nói.
Trễ hẹn và bội ước
Không riêng trung tâm văn hóa hay công viên, sự bất tương xứng giữa mật độ dân cư và không gian chung còn xuất hiện tại nhiều chung cư - những nơi ban đầu quảng cáo "tiện ích đầy đủ". Cam kết của chủ đầu tư về các tiện ích so với thực tế gần như một trời một vực vì không có hoặc chậm triển khai.
Cả tháng nay, trước khi lên căn hộ của mình, anh Trần Ngọc Tâm (cư dân chung cư C.D tại phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) đều dành thời gian ngắm dự án công viên đang xây dựng trong khu chung cư. Anh cho biết công viên chính là niềm mong mỏi từ rất lâu của anh và hàng ngàn cư dân. Bởi đã 4 năm kể từ ngày chung cư hoạt động, đến nay hạng mục công viên mới được tiến hành xây dựng sau hàng loạt thắc mắc của cư dân. "Công viên xây xong thì cư dân có chỗ tập thể dục, hóng mát; còn trẻ em có chỗ vui chơi, chạy nhảy. Trước giờ tụi nhỏ ở đây không có khu vui chơi đúng nghĩa, chỉ có một sân chơi dã chiến dựng lên ở dãy hành lang cho tụi nó chơi, nhìn tội lắm… Sau bao mỏi mòn chờ đợi, cuối cùng mới sắp có" - anh Tâm hy vọng khi công viên hình thành sẽ không bị xà xẻo bởi việc kinh doanh.
Còn với chị Hoàng Thị Hằng (ngụ quận 12), là nỗi thất vọng về nơi mình ở. Nữ giáo viên này kể vào năm 2017, khi nghe giới thiệu về chung cư H.P ở phường Thới An, quận 12 thì rất thích. Bản phối cảnh được chủ đầu tư đưa ra, ngoài nhà cộng đồng hàng trăm mét vuông còn có hồ bơi lẫn nhà tập luyện thể thao. Từ khi chị đặt bút ký mua và dọn về ở, đến nay "hồ bơi" vẫn chỉ là đám cỏ dại để nhiều hộ tận dụng xới đất trồng rau, "khu tập luyện" thì được lát gạch đón các xe vãng lai tới gửi.
Chưa hết, sự bức bối của chị Hằng cùng nhiều cư dân ở đây còn là việc con đường duy nhất trong chung cư với xe máy, ôtô ra vào lại đồng thời trở thành nơi các cụ già tập đi bộ, cha mẹ đẩy xe nôi, trẻ con trượt patin… "Nhiều chiều đi làm về thấy các loại ôtô, xe máy, xe đạp mini, xe đẩy, xe nôi trộn lẫn mà lo tai nạn đến sốt cả ruột" - chị Hằng than thở và cho biết niềm tin ban đầu về cuộc sống an toàn, thoải mái ở đây đã sụp đổ.
Còn ở huyện Bình Chánh, nhiều cư dân của một chung cư T.R tại xã Phong Phú ngao ngán kể nhà sinh hoạt cộng đồng chưa phát huy được hết chức năng, sân chơi cho trẻ em thì chỉ có vài chiếc bập bênh nhưng đã rất cũ và không bảo đảm an toàn. Nơi đây có hồ bơi nhưng cư dân muốn bơi thì tốn tiền mua vé và người bên ngoài cũng có thể vào mua vé bơi. "Ngày cuối tuần, nhiều người bên ngoài vào đây bơi. Họ còn mang theo đồ ăn thức uống, vừa bơi vừa nhậu nhẹt. Những tiếng zô-zô của họ vang ầm ĩ, khiến ai cũng bực bội" - chị Phạm Kim Liên, một cư dân, nói và cho hay sau giờ làm, gia đình chị đi loanh quanh trong căn hộ kín mít hoặc đưa nhau đến những khu vực trống bên ngoài chung cư nếu muốn tìm nơi yên tĩnh.
Nhiều chung cư ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, 12… bị phản ánh về việc bố trí không gian công cộng quá ít, không đáp ứng nhu cầu của cư dân. "Chỗ tôi ở không có công viên. Trẻ con muốn chơi thì qua nhà nhau hoặc đi ra mấy khu vui chơi bên ngoài" - chị Nguyễn Võ Phương Thảo (cư dân chung cư A2, phường 3, quận Bình Thạnh) bức bối.
Theo chị Thảo, gia đình chị và hàng ngàn cư dân ở đây nếu muốn đi dạo, tập thể dục thì phải tìm đến những địa điểm lân cận như bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đường sách, nhà thờ Đức Bà… "Chung cư nơi gia đình tôi sống không có hạng mục gì nên phải tìm đến nơi khác để vui chơi, giải trí, nếu không thì phải chịu cảnh bức bí, ngột ngạt" - chị Thảo nói. Chị bày tỏ tình cảnh tương tự nơi chị ở không hiếm vì nhiều người bạn ở rải rác các chung cư trên địa bàn đều than như vậy.
Trẻ em càng "khát"
Người lớn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các địa điểm sinh hoạt, kết nối cộng đồng thì điều này càng khó khăn với các em nhỏ, đặc biệt là thời điểm các em nghỉ hè, rất cần những địa điểm vui chơi sau một năm học tập căng thẳng.
Là nơi để phục vụ đời sống tinh thần của trẻ em nhưng Nhà Thiếu nhi TP Thủ Đức (đường Võ Văn Ngân) được "phân lô" để mở quán cà phê, hãng giày... với các bảng hiệu đồ sộ nằm ngay trên mặt tiền. "Nhà thiếu nhi nhưng trẻ em đến chơi chẳng bao nhiêu. Toàn người lớn đến đây thôi. Không gian dành riêng cho trẻ em giờ đây cũng đang dần chuyển sang phục vụ cho người lớn" - một phụ huynh ngao ngán.
Ở Nhà Thiếu nhi quận 8, TP HCM, ngoài mấy lớp học đóng tiền ra thì gần như không có gì cho trẻ em chơi. Ảnh: ANH VŨ
Còn tại Nhà Thiếu nhi quận 8 (đường Dương Quang Đông), cảm nhận của chúng tôi khi mới tới là sự đìu hiu, vắng vẻ. Nhiều hạng mục tại nhà thiếu nhi này không được sử dụng trong thời gian dài nên bám đầy bụi, xuống cấp và nhếch nhác. Nơi đây chủ yếu được tận dụng làm nơi chiêu sinh các lớp năng khiếu - từ múa, thư pháp, hội họa đến bóng rổ. Một phụ huynh nhận xét ngoài mấy lớp học đóng tiền ra thì nhà thiếu nhi này không có gì để trẻ em đến vui chơi.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-6
Bình luận (0)