Kết quả tổng điều tra dân số ngày 1-4-2009 của Hà Nội cho biết TP có gần 6,5 triệu người. Tuy nhiên, 10 năm sau, dân số Hà Nội tăng lên 7,9 triệu người. Theo ông Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, dân số tăng, phương tiện giao thông cũng tăng theo, tạo áp lực rất lớn cho giao thông đô thị. CSGT Hà Nội đang quản lý hơn 6,64 triệu phương tiện, trong đó có 739.731 ôtô và hơn 5,76 triệu xe máy (chiếm 86% phương tiện tham gia giao thông).
Loay hoay giảm ùn tắc
Vào những giờ cao điểm, rất nhiều ngõ, ngách hay trục đường chính của Hà Nội đều ách tắc nghiêm trọng. Có những tuyến đường đi 1 km phải mất cả giờ. Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, nhận xét: "Giao thông đô thị ở Hà Nội đang ở mức báo động, là vấn đề nghiêm trọng, bức bách của TP".
Ông Đào Việt Long cho rằng có rất nhiều nguyên nhân tắc đường, trong đó ngoài hơn 6,64 triệu phương tiện do CSGT Hà Nội quản lý, còn có phương tiện từ các địa phương khác đến vẫn chưa kiểm soát được. Nếu tính đủ, có khi lượng phương tiện ngang bằng, thậm chí cao hơn dân số. Bên cạnh đó, ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông của nhiều người còn thấp, cùng với đó là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng.
Giải pháp tránh tắc đường đã được các nhà quản lý đưa ra từ lâu, đó là hạn chế phương tiện cá nhân. Đề án hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã được HĐND TP thông qua tháng 7-2017. Tuy nhiên, với đặc thù ở nước ta, khi mà xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân thì đây là bài toán khó giải quyết.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam thì trong tương lai, người dân vẫn chủ yếu sử dụng xe máy. "Do đó, việc cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế vào khu vực nào phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng; phải được công bố công khai cho người dân, tạo sự đồng thuận" - ông Nguyễn Đức Chung nhìn nhận.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: NGÔ NHUNG
Quá tải bởi nhà cao tầng
Tại Hà Nội, hệ thống hạ tầng giao thông công cộng hoàn thành và đi vào hoạt động được chờ đợi sẽ dần thay thế các phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hàng loạt chung cư cao tầng xuất hiện dày đặc trong các tuyến phố, kéo theo nhiều cư dân về đây sinh sống đã khiến tình trạng này ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Tuyến đường Lê Văn Lương, chỉ khoảng 1 km, từ đoạn giao cắt đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám, có hàng chục dự án chung cư cao tầng. Tuyến đường Nguyễn Tuân dài hơn 1 km cũng có tới 10 dự án cao ốc với hàng chục tòa nhà cao tầng án ngữ.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ngày 20-6-1998, Thủ tướng đã ký Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020, trong đó nêu rõ "hạn chế chiều cao công trình mới ở khu phố cũ và chỉ bố trí cao tầng ở một số vị trí thích hợp". Nhưng nhìn từ thực tế, ông Hùng nói cụm từ "chỉ bố trí cao tầng ở một số vị trí thích hợp" đã bị "vận dụng" theo ý muốn của chủ đầu tư và "sự cho phép" của cơ quan hữu quan. Việc này dẫn đến hàng loạt dự án cao tầng được cấp phép gây quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. "Không thể và bất kỳ lý do gì lại cấp phép xây dựng công trình 8B Lê Trực, 17 tầng cao 53 m làm khuyết một góc của quy hoạch khu Trung tâm Chính trị Ba Đình. Không vì lý do gì lại dự định cấp phép nhà 40 - 70 tầng khu ga Hàng Cỏ. Hồ Thành Công bị một loạt công trình cao tầng che kín đã biến hồ này thành ao…" - ông Trần Ngọc Hùng dẫn chứng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, cho rằng việc phát triển nhà cao tầng chưa gắn với phát triển kết cấu hạ tầng khung, đặc biệt là vấn đề giao thông dẫn tới ùn tắc. Vấn đề tăng dân số do nhà cao tầng là rất lớn, đi ngược lại quy hoạch với mục tiêu giảm dân số nội đô. Đây là thách thức lớn với việc quản lý dân số. "Tại Hà Nội, năm 1998 mới có khoảng 60 nhà cao tầng nhưng hiện nay con số này tăng vọt lên 400 và gần 70% tập trung ở các khu đô thị mới. Chính vì sự phát triển nhanh chóng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề" - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Giãn dân ra ngoại thành
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, mấu chốt dẫn đến ùn tắc giao thông ở Hà Nội là do hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân. Do đó, bên cạnh việc mở rộng đường, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp giãn dân ra ngoại thành, hạn chế tối đa việc xây chung cư cao tầng ở khu vực nội đô.
Đại diện Ban Đô thị Hà Nội cho biết TP đã có nhiều phương án giãn dân ra ngoại thành. Trong đó, 5 khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Tuy nhiên, 5 khu đô thị này hiện mới chỉ trong giai đoạn lập quy hoạch.
Bình luận (0)