Quần thể danh thắng quốc gia Kim Sơn nằm trong dãy núi Bền rộng hàng trăm hecta thuộc 3 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh An, Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Khoảng 5 năm trở lại đây, danh thắng này đang bị xâm hại nghiêm trọng bởi tình trạng nổ mìn phá đá và ô nhiễm môi trường do các công ty khai thác đá gây ra.
Chìm trong bụi đá
Danh thắng Kim Sơn được bao bọc bởi 29 ngọn núi đá vôi, trải dài khoảng 3.000 m, cao hơn 500 m. Điểm nhấn của thắng cảnh là có một hệ thống hang động tuyệt đẹp dài khoảng 2 km được người dân phát hiện vào năm 1919.
Thời phong kiến, danh thắng này đã được xem là chốn bồng lai tiên cảnh, nhiều tao nhân mặc khách ghé thăm. Hiện trên vách đá trong các hang động còn lưu lại gần 20 bài thơ ca ngợi núi và hang động Kim Sơn của các văn nhân ngày trước. Với cảnh đẹp nao lòng và có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, du lịch nên năm 2009, Kim Sơn được công nhận là Danh thắng quốc gia.
Công trường nằm sát danh thắng quốc gia Kim Sơn ngày đêm nổ mìn phá đá, bụi bay mù mịt
Đi dọc Quốc lộ 217 dẫn vào danh thắng, dù còn ở rất xa nhưng chúng tôi có thể nhận thấy cả dãy núi Bền đang ngày đêm bị "xẻ thịt" bởi các mỏ đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) khai thác. Gần đến khu vực này, tiếng rít của máy khoan đá vang lên nhức óc phát ra từ các triền núi và xưởng chế tác đá bên đường. Con đường độc đạo chìm trong bụi trắng, dày đặc hố. Đứng trên chùa Linh Ứng (ngôi chùa thiêng nằm trong danh thắng Kim Sơn), nhìn khắp hướng, nơi đâu cũng là công trường khai thác đá mịt mù bụi.
Đại đức Thích Tĩnh Hải, trụ trì chùa Linh Ứng, cho biết cứ đến giờ nổ mìn phá đá, ở trong chùa cảm nhận rất rõ sự rung lắc mạnh của núi Hang (trong khu vực cấm xâm hại). "Mới đây, một khối đá lớn từ trên đỉnh núi bất ngờ đổ ập xuống khuôn viên nhà chùa nhưng rất may không có ai gần đó. Nhà chùa rất mong ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa quy hoạch khai thác đá hợp lý để bảo vệ được danh thắng, bảo đảm an toàn cho du khách khi đến vãn cảnh" - đại đức Thích Tĩnh Hải nói.
Thoải mái cấp phép
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa, bao quanh danh thắng Kim Sơn hiện có 7 mỏ đá đang khai thác. Những mỏ này được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép trên 25 năm nằm ở các xã Vĩnh An, Vĩnh Minh, Vĩnh Thịnh và hiện có 3 khu vực khác đang được các DN xin phép khai thác. Điều đáng lo ngại là diện tích trên 50 ha của dãy núi Bền trước đây đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nay đã được giao về cho UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện nhiều DN tiếp tục có tờ trình gửi UBND tỉnh xin khai thác đá trong mạch núi trên.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết nếu các DN được cấp phép khai thác đá nhưng làm ảnh hưởng đến danh thắng Kim Sơn, UBND huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép.
Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản đánh giá về mức độ ô nhiễm và sự ảnh hưởng của việc khai thác đá quanh danh thắng quốc gia Kim Sơn. Theo Sở VH-TT-DL, dù các mỏ khai thác đá nằm ngoài khu vực cấm nhưng quá trình khai thác đá cũng có gây ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa nếu cấp phép khai thác đá phải ưu tiên các DN có máy móc, thiết bị hiện đại, hạn chế nổ mìn phá đá để giảm thiểu độ rung chấn ảnh hưởng trực tiếp đến hang động và môi trường quanh danh thắng.
Con đường du lịch xứ Thanh bị ảnh hưởng
Tuyến Quốc lộ 217 nối Quốc lộ 1A lên cửa khẩu quốc tế Na Mèo (giáp Lào) được UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch là một trong những tuyến đường du lịch quan trọng của Thanh Hóa. Tuyến du lịch này nối di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc) đi các di tích nhà Trịnh, danh thắng Kim Sơn, thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), suối cá Thần (huyện Cẩm Thủy), khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Bá Thước)… Trong quy hoạch của Chính phủ, tuyến đường này không được cấp phép khai thác mỏ đá. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều mỏ đá dọc tuyến qua huyện Hà Trung và Vĩnh Lộc được khai thác nham nhở, các xưởng chế tác đá mọc lên tràn lan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến con đường du lịch của tỉnh.
Bình luận (0)