xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bùi Giáng: Giấc mơ cố quận

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

L.T.S: UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và gia tộc họ Bùi (Vĩnh Trinh) đang xúc tiến các thủ tục để triển khai xây dựng nhà lưu niệm Bùi Giáng nơi quê nhà. Cần sớm có một công trình như thế để xứng đáng với tên tuổi, tầm vóc của “Trung niên thi sĩ”.

Người rong chơi bất tận

"Đất hoa khóc vĩnh biệt người/Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu"

Bùi Giáng sinh ngày 17-12-1926, người làng Thanh Châu (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Duy Xuyên ngày nay là một huyện phát triển nhưng vẫn giữ được cốt cách của miền đất văn hóa thâm hậu. Huyện có khu đền tháp Mỹ Sơn - Di sản Văn thế giới, tồn tại 1.300 năm qua. Nhiều đời nay, nơi đây vẫn sản sinh những con người tài giỏi. Bùi Giáng là một trong những con người tài giỏi ấy.

Bùi Giáng rất tự hào về khung cảnh tươi đẹp của quê nhà mình. Ông viết: "Làng tôi xưa có nhiều cỏ mọc. Cỏ mọc từ trong làng ra ngoài ruộng, tới những cồn, gò, đồi núi thật xanh. Tôi lớn lên giữa linh hồn cỏ mọc. Từ đó về sau, tôi tìm kiếm mãi một màu xanh không còn nữa vì những trái bom và hòn đạn thiêu nướng khổng lồ" (Ngày tháng ngao du).

Thân phụ của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thân mẫu là bà Huỳnh (Hoàng) Thị Hai. Ông Thuyên có 2 người vợ. Bà thứ nhất họ Phạm, sinh được một gái và 2 trai. Bà thứ hai tên là Huỳnh Thị Hai, sinh được 9 người con; Bùi Giáng là con trai sinh sau một người chị gái đầu lòng. Vì vậy, ông gọi mình là Sáu Giáng. Tính ông hài hước, muốn giữ âm vị Duy Xuyên rặt ròng nên thêm một chữ O vào trong tên mình, thành ra anh Sáu Gioáng!

- Ủa, phải anh Sáu Gioáng đó không?

- Còn cô có phải cô Bông năm nào?

Thuở Bùi Giáng còn nhỏ phải sang học tại Trường Bảo An (Điện Bàn, Quảng Nam). Lớn lên, ông ra Huế, học bậc trung học tại Trường Thuận Hóa. Ông đậu bằng Diplôme (trung học) năm 1945. Cũng năm ấy, ông lập gia đình.

Tất cả những người anh em trong gia đình Bùi Giáng đều công nhận rằng vợ của ông là một phụ nữ trẻ nết na, xinh đẹp. Bà qua đời năm 1948 vì một cơn bạo bệnh, khi mới 21 tuổi. Ông Bùi Luân - em ruột Bùi Giáng - tỏ bày lòng quý mến của mình với người chị dâu, viết: "… Gương mặt chị, hình ảnh chị đã nổi bật, sáng ngời mãi trong ký ức tôi… Phải nhận là chị xinh đẹp, cởi mở, vui tính, hồn nhiên. Duy có điều bất cứ ai, dù không biết gì nhiều về tướng số, gặp chị là cũng nhận ra ngay: Chị không thể ở lâu với chúng ta trên cõi đời này, dù cõi đời vốn đã ngắn ngủi. Lấy chồng được 3 năm, chị đã đột ngột lìa đời lúc mới ngoài 20 tuổi… Chị trút hơi thở một cách bình thản".

Hai vợ chồng Bùi Giáng được cha mẹ cho một khu vườn trồng nhiều cau ở làng Trung Phước, một thung lũng trù phú ven sông Thu, nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trung Phước cách Thanh Châu trên dưới 20 cây số. Có lẽ cuộc hôn nhân của lứa đôi trẻ trung này giữa miền đất Trung Phước không được êm ấm cho lắm. Ông Bùi Luân viết: "Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cưới, người vợ trẻ đã phải lặn lội từ cái thung lũng ngoạn mục nhất đó, xuôi sông Thu Bồn êm đềm với ngàn dâu xanh ngát, về nhà bố mẹ chồng ở Thanh Châu cách hàng mấy chục cây số".

Bùi Giáng: Giấc mơ cố quận - Ảnh 1.

Năm 2018, nhạc sĩ Trần Quế Sơn tổ chức live show nhạc - thơ “Cõi quê”, trình bày nhiều ca khúc phổ từ thơ Bùi Giáng. Ảnh: T.Q.S

Người vợ qua đời khi Bùi Giáng vắng nhà. Ông Bùi Luân viết tiếp: "Phút lâm chung, chị không thấy mặt chồng. Anh Bùi Giáng lúc bấy giờ đang ở Quảng Ngãi, Bình Định hay Phú Yên gì đó... Tôi chỉ biết là anh có mặt vào phút chót của buổi tiễn đưa chị về nơi an nghỉ cuối cùng, anh đứng bên cạnh chiếc quan tài với vành khăn trắng trên đầu".

Sau khi vợ mất, Bùi Giáng lại rong chơi nhiều hơn. Năm 1950, Liên khu 5 tổ chức kỳ thi "tú tài đặc biệt"; đề thi do Liên khu 4 gửi vào, thi xong, bài được gửi ra Liên khu 4 chấm. Bùi Giáng dự thi và đậu tú tài 2 ban văn chương của kỳ thi này. Từ cuối năm 1950, Bùi Giáng thực hiện sự nghiệp lớn của mình "Mười lăm năm chăn dê trên núi đồi Trung Việt".

Nói "Mười lăm năm" chỉ là một cách nói thậm xưng, thực sự Bùi Giáng chỉ chăn dê có… 2 năm, từ năm 1950 đến 1952. Nói là "núi đồi Trung Việt" cũng chỉ là một cách nói thậm xưng, thực sự vùng chăn dê của Bùi Giáng chỉ kéo dài từ Trung Phước lên tới đèo Le của huyện Quế Sơn và về đến đèo Phường Rạnh của huyện Duy Xuyên là hết.

Và dẫu Bùi Giáng từng viết "Anh lùa bò về đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim" nhưng ông cũng chưa bao giờ chăn bò! Ông chỉ chăn dê mà thôi và chừng đó cũng đủ cho ông ứ hự rồi!

Tôi đã làm một chuyến điền dã để tìm hiểu đường dê trong thơ Bùi Giáng. Vùng này sim mọc thành rừng trên những đồi đất đỏ khô cằn không có một ngọn cỏ nào mọc nổi. Cho nên ở đây không thể nói chuyện chăn bò, đặc biệt là "nhà nông học" Bùi Giáng lại không có kinh nghiệm gì về chăn nuôi gia súc.

Tháng 5-1952, Bùi Giáng gửi đàn dê lại cho… chuồn chuồn và châu chấu ven sông Thu; ra Huế học lấy bằng tú tài Pháp. Rồi ông vào Sài Gòn, định ghi danh học Đại học Văn khoa. Nhìn danh sách các vị giảng viên, Bùi Giáng không… ưng cái bụng. Ông quyết định bỏ học.

Ông bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật. Hiệu trưởng một số trường trung học tư thục ở Sài Gòn ngày ấy nghe tiếng Bùi Giáng vừa làm thơ hay vừa giỏi lý luận, mời ông ra dạy môn văn. Dạy một thời gian, ông nghỉ hẳn, dành toàn bộ thời gian để… đi chơi và viết.

Những tác phẩm thơ giá trị nhất của Bùi Giáng được in ra từ năm 1960 tại Sài Gòn. "Mưa nguồn", "Lá hoa cồn", "Ngàn thu rớt hột" và "Màu hoa trên ngàn" là 4 tập chính. Bùi Giáng thực sự nổi tiếng qua thơ từ năm ông 36 tuổi.

Sau năm 1975, Bùi Giáng lại tích cực rong chơi. Thông thường thì ông vào các chùa, ăn cơm cùng quý vị thượng tọa, đại đức. Ông ăn cũng rất ít, một chén lưng là cùng. Điều ông thích nhất là uống rượu nhưng không bao giờ uống trong chùa. Bùi Giáng mất ngày 7-10-1998 sau một cơn trọng bệnh của tuổi già; chấm dứt cuộc rong chơi bạt mạng sa trường. 

Kỳ tới: Một kiếp lưu đày

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo