xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bùi Tá Hán - bậc thánh nhân!

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Chính sách xây dựng làng xã của Bùi Tá Hán tuy cách đây đã 5 thế kỷ nhưng bao quát nhiều lĩnh vực đời sống và nay vẫn nguyên tính thời sự

Bắc quân Đô đốc, Trấn quốc công Bùi Tá Hán (1496-1568) là người được xem như "tiền hiền" của xứ Quảng (gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần tỉnh Phú Yên ngày nay). Năm 1546, sau khi đem quân vào dẹp yên tàn quân nhà Mạc ở phía Nam đèo Hải Vân đến Phú Yên, ông được triều đình nhà Lê trung hưng phong làm Đô tướng dinh Quảng Nam, chịu trách nhiệm yên dân và xây dựng một vùng đất rộng lớn.

Được ban nhiều sắc phong

Sự nghiệp văn võ toàn tài của Bùi Tá Hán đã được nhiều học giả như Lê Quý Đôn, Nguyễn Bá Trác và các sử liệu ghi lại. Các triều đại phong kiến từ Tây Sơn đến các triều vua Nguyễn đều ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công đức, sự ngưỡng vọng về ông. Riêng đời vua Minh Mạng thứ 3 (1822) phong ông là Thượng đẳng thần (Khả gia phong Khuông quốc tịnh biên thọ đức Thượng đẳng thần…).

Ngày nay, lăng mộ, tượng và đền thờ Bùi Tá Hán vẫn được gìn giữ tại các địa phương như đền núi Ông, Rừng Lăng và lăng Ông được xếp hạng Di tích Quốc gia (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), đình Nam Chơn thờ Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (TP HCM), đền Tam Thanh (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), đền Ông Bùi (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) và nhiều nơi khác. Những di tích liên quan đến Bùi Tá Hán đều được người dân cho là rất linh thiêng.

Bùi Tá Hán - bậc thánh nhân! - Ảnh 1.
Bùi Tá Hán - bậc thánh nhân! - Ảnh 2.

Tượng Trấn quốc công Bùi Tá Hán và đền thờ tại tỉnh Quảng Ngãi

"Người quân tử khi đắc chí phải mang lại phúc trạch cho dân" đã trở thành kim chỉ nam trong tất cả sự nghiệp của ông. Ngày nay, chúng ta có một vùng đất rộng lớn và phát triển phía Nam đèo Hải Vân, với những thành phố to lớn, những vùng nông thôn phát triển, đều có công lao của ông như người đặt viên đá đầu tiên của một nửa đất nước.

Trấn Quảng Nam thời ấy được miêu tả là dân cư còn rất ít, từ Hy Giang (tức huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngày nay) đến Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) chỉ ước chừng 10.000 hộ, với khoảng 5.000 dân. Giao thông cách trở, thời tiết khắc nghiệt, vùng này được nhiều phả ký của các tộc họ mô tả là "xứ cọp beo", "rừng thiêng nước độc". Vì thế, Bùi Tá Hán đã ra sức canh tân về mọi mặt, nhờ vậy mà thu hút được nhiều dân nghèo từ các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương vào vỡ ruộng, lập ấp.

Ông chỉ định các quan huyện lo việc tiếp dân và điều hành mọi công việc liên quan đến số hộ di cư mới, tổ chức cho binh lính làm nhà giúp dân. Khi dân yên ổn chỗ ăn ở thì trích ruộng thục điền trong số ruộng đất ở các đồn điền giao cho mỗi hộ một ít để tạm thời canh tác. Ông còn khuyên dân nên trồng khoai lang, rau ngắn ngày để 3 tháng sau có cái ăn; sau mùa cấy hái phải nỗ lực khai hoang làm ruộng, trích trữ lương thực để ổn định cuộc sống.

Đổi mới tập tục lỗi thời

Theo tài liệu của dòng họ Bùi ở nước ta, ngoài việc khuyến khích khai hoang vỡ hóa, trong tờ biểu tâu năm Thuận Bình thứ 8 (Mậu Ngọ, 1558), tức sau 13 năm vỗ yên biên trấn, Bùi Tá Hán chủ trương đưa những ruộng đất nào trước đây do quân lính khai khẩn, nay đã thành thực điền thì đem làm công điền, giao cho các thôn xã phân cấp cho dân cày cấy và nộp tô thuế. Ông còn kiến nghị phải khám đạc ruộng đất cho tất cả loại ruộng công cũng như tư, phân định ra các hạng để quản lý.

Khi nghiên cứu về các dòng tộc ở vùng Bắc Điện Bàn và các giáp ven sông Thu Bồn, chúng tôi đã đọc được tài liệu mang tên "Bắc địa tấu từ", được xác định là do 24 người đại diện những tộc họ vào khẩn hoang và được lệnh Bùi Tá Hán làm tờ khai việc đo đạc ruộng đất để đổi các giáp thành làng (theo TS Hà Phụng - tài liệu đánh máy "Tiền hiền họ Hà Đức ở Ngũ Giáp vào Nam từ lúc nào?").

Một gia tộc Lê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã lưu giữ một tập tài liệu bằng chữ Hán của tác giả Mai Thị (viết khoảng các năm 1558-1571) có tên "Phủ tập Quảng Nam ký sự" trong gia phả nhiều đời của dòng tộc. Tài liệu này được con cháu sao lưu nhiều lần vào năm 1824 và 1924 để bảo vệ vì chất liệu giấy cũ không nguyên vẹn qua thời gian. Đến nay, tài liệu này được đánh giá đã tồn tại đến 400 năm và được dịch ra Quốc ngữ từ năm 1996 (Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ngãi).

Căn cứ bản dịch Quốc ngữ (rất tiếc là chỉ in có 800 cuốn), ta thấy rằng "Từ khi đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng, mọi việc lớn nhỏ đều do ông giải quyết…".

Trong 20 quyết sách về quy dân lập ấp của Bùi Tá Hán, ta có thể quy lại những nét chính như sau:

Quân đội có trách nhiệm đón tiếp dân, đốn cây dựng nhà. Quan cấp huyện phối hợp với quân đội đón tiếp, cấp 5 tháng lương thực để dân ổn định cuộc sống. Trích ruộng thục điền do quân đội canh tác lâu nay phân chia cho dân canh tác. Hướng dẫn dân trồng khoai lang và rau màu để có cái ăn sau 3 tháng, bất kể giàu nghèo đều quy định ghế 20% khoai bắp và cơm để tiết kiệm. Khuyến khích khai khẩn đất hoang làm tư điền nhưng không được giành theo kiểu "bao chiếm và phá rừng".

Quy định mẫu nhà 8 cột 3 gian, để dân mới đến cư ngụ gần nhau thành xóm ấp. Mỗi xóm đào chung một giếng để lấy nước sạch, nhà khá giả có thể đào giếng riêng. Hướng dẫn dân làm nồi đồng, nồi đất để đun nấu. Nồi có lỗ quai để dùng đũa bếp bưng nhắc. Lại hướng dẫn làm ách cày 2 trâu để tăng năng suất và làm thủy lợi để chủ động nước cho từng loại ruộng cao, thấp. Khuyến khích các nghề thủ công để buôn bán và được miễn thuế…

Bùi Tá Hán luôn nhấn mạnh đến việc duy trì văn hóa truyền thống đi đôi với đổi mới các tập tục lỗi thời trong đời sống làng xã. Ông kêu gọi tiết kiệm trong hôn nhân, tang tế và thờ cúng nhưng khuyến khích xây dựng đền chùa phục vụ tín ngưỡng. Các làng đều phải có thầy thuốc để chữa bệnh cho dân, có thầy giáo dạy chữ và văn học ở trường tư thục. Thầy dạy được cấp công điền để trả công, bảo đảm cuộc sống gia đình họ. Nhằm kết nối giao thông liên lạc, ông cho mở đường, xây cầu cống và làm ghe nan trét dầu rái để dễ di chuyển trên sông nước…

Hiển thánh cùng ngựa quý

Chính sách xây dựng làng xã này tuy cách đây đã 5 thế kỷ nhưng ngày nay, chúng ta vẫn thấy cái nhìn của Bùi Tá Hán thật bao quát nhiều lĩnh vực đời sống và còn nguyên tính thời sự, kể cả những quy định về định canh định cư và quan hệ thân ái với người thiểu số, quy định về quốc phòng, kinh tế quốc phòng và các vấn đề an ninh khác…

Tác giả Mai Thị nhận định về thời thế lúc ấy và ca ngợi công lao cùng sự sâu sắc của Bùi Tá Hán: "Từ xưa, việc cày cấy rất thô sơ, hoa lợi từ lâu không tăng mà thuế xâu lại nặng nề. Các tập tục bưng bít con người, nếu không nhân lúc khai hoang lập ấp mà cải cách, đổi mới thì khác nào với người ngủ say ta chỉ mới dời giường ngủ của họ mà thôi".

Bùi Tá Hán mất năm 1568, không rõ nguyên nhân. Bia văn ở đền thờ ông có 2 câu: "Nhân mã bất tri hà xứ khứ/Huyết y trường dữ thử bi lưu" - nghĩa là: "Người, ngựa chẳng biết đi về nơi nào/Chỉ có áo bào thấm máu lưu lại lời bia".

Tương truyền sau khi Bùi Tá Hán mất, ông đã hiển thánh cùng con ngựa quý, chỉ để lại tấm áo bào có vết máu tươi. Lăng mộ Bùi Tá Hán được xây dựng tại khu rừng là nơi đã tìm thấy áo bào của ông ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng. Đền thờ ông được xây dựng trên đỉnh núi Phước ở làng Thu Phổ nên gọi là núi Ông.

Đền thờ Bùi Tá Hán đã được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 168 ngày 2-3-1990. 

Trấn quốc công Bùi Tá Hán đã đưa ra nhiều chính sách quy dân lập làng, ổn định đời sống, giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa người Kinh với người miền núi và người Chăm.

Cận thần của danh tướng Nguyễn Kim

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn có ý kiến khác nhau về thân thế của Trấn quốc công Bùi Tá Hán, nên chỉ biết ông là người Châu Hoan (nay là Nghệ An) và là cận thần của danh tướng Nguyễn Kim. Tháng 6 (âm lịch) năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Lê Cung Hoàng, lập ra nhà Mạc. Trung thành với nhà Hậu Lê, Bùi Tá Hán theo ngọn cờ "phù Lê diệt Mạc" của Nguyễn Kim, lập nhiều công trạng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo