Báo Người Lao Động đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm thành lập (28.7.1975-28.7.2020) vào sáng 24-7. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, ấm cúng, thân tình giữa tập thể báo và các đại biểu, để cùng nhìn lại một chặng đường dài gần nửa thế kỷ làm báo của Báo Người Lao Động, tiền thân là Báo Công Nhân Giải Phóng.
Kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Đến dự lễ có ông Trương Tấn Sang - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Nguyễn Thị Thu Hà - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP; bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP, nguyên Chủ tịch HĐND TP. Về phía lãnh đạo TP HCM có ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bức trướng cho Báo Người Lao Động
Bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - trao tặng bằng khen của Bộ Ngoại giao cho Báo Người Lao Động
Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp trao tặng bằng khen cho Báo Người Lao Động Ảnh: TẤN THẠNH - HOÀNG TRIỀU
Lễ kỷ niệm còn vinh dự được đón tiếp đại diện một số bộ - ngành trung ương, trong đó có bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐ Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan báo chí, gồm Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Quang Thông, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Thành Lợi... Lãnh đạo và cán bộ hưu trí Báo Người Lao Động các thời kỳ cũng về chung vui...
Trong không khí trang trọng, các đại biểu đã nghe lời chúc mừng Báo Người Lao Động tròn 45 tuổi của ông Nguyễn Minh Triết - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhìn nhận 45 năm qua, Báo Người Lao Động đã có một bước tiến rất dài, trưởng thành mọi mặt, lớn mạnh và được bạn đọc gần xa yêu mến. "Tôi mong muốn và chắc rằng nhiều bạn đọc cũng mong muốn Báo Người Lao Động tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, có vị trí xứng đáng trong làng báo chí, đóng góp tích cực cho sự phát triển của giai cấp công nhân, cho tổ chức Công đoàn và cho TP HCM thân yêu" - nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kỳ vọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao thành tích của Báo Người Lao Động đã đạt được trong 45 năm qua. Không chỉ đạt những thành tích nổi bật về mặt nội dung, báo cũng để lại ấn tượng với nhiều chương trình sau mặt báo, như Giải Mai Vàng ra đời từ năm 1991, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" ra đời ngày 1-6-2019... Báo cũng đã nâng tầm diễn đàn "Lắng nghe người dân hiến kế" thành cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế". "Đây là chương trình ý nghĩa, tâm huyết của Báo Người Lao Động gửi đến Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, góp phần xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP khẳng định trong 45 năm qua, Báo Người Lao Động đã thực sự trở thành công cụ sắc bén, góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và cả nước. "Lãnh đạo TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM sẽ luôn đồng hành trong từng bước đi của báo; tạo điều kiện tốt nhất để báo vươn lên, khẳng định thương hiệu Báo Người Lao Động" - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM kỳ vọng.
Nhanh, hay, chính xác, trách nhiệm và nhân văn
Chia sẻ tại lễ kỷ niệm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho biết trong vài năm gần đây, các phương tiện xuất bản của Báo Người Lao Động tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức, bám sát phương châm "Luôn đồng hành cùng đời sống và việc làm của bạn" và 5 tiêu chí cơ bản: Nhanh - hay - chính xác - trách nhiệm - nhân văn. Đồng thời, bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tích cực tuyên truyền những hoạt động của tổ chức Công đoàn...
Nhiều chương trình sau mặt báo của Báo Người Lao Động cũng đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, làm nên thương hiệu riêng. Tiêu biểu là chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, nhà nước, bộ - ngành và địa phương. Khởi động từ ngày 1-6-2019, đến nay, chương trình đã trao và ký kết trao hơn 300.000 lá cờ cho ngư dân các tỉnh, thành có biển... Chương trình vinh dự được Thủ tưởng 2 lần trực tiếp đến dự lễ trao cờ cho ngư dân 2 tỉnh Kiên Giang (vào ngày 29-7-2019) và Bình Định (ngày 20-8-2019). Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cũng đã đến dự và trao những lá cờ đầu tiên cho ngư dân tỉnh Bạc Liêu vào ngày 1-6-2019, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh 2 lần trao cờ cho ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ngày 1-8-2019) và ngư dân tỉnh Khánh Hòa (ngày 2-8-2019). Ngày 22-12-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thư khen tập thể Báo Người Lao Động đã phát động và triển khai chương trình có ý nghĩa lớn này.
Cùng việc nâng chất lượng nội dung, ông Tô Đình Tuân cũng cho biết Báo Người Lao Động luôn quan tâm đến việc cải tiến hình thức báo in, giao diện báo điện tử, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trang - thiết bị phục vụ cho xuất bản báo. Trong bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã, đang và sẽ từng bước ứng dụng, đổi mới tư duy, cách làm báo, đặc biệt là việc tiếp cận với công nghệ chuyển đổi số, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, xứng đáng là một tờ báo uy tín, có chỗ đứng vững vàng trong dòng chảy của báo chí cách mạng thời đại 4.0.
"Ban Biên tập bày tỏ lòng biết ơn những thế hệ lãnh đạo, đội ngũ phóng viên - biên tập viên - nhân viên đi trước, đã đặt nền móng ban đầu để các thế hệ đi sau xây nên ngôi nhà mang thương hiệu Người Lao Động vững chắc trong lòng bạn đọc. Cảm ơn tình cảm sâu sắc đối với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo trung ương và TP, cơ quan chủ quản, các mạnh thường quân, doanh nghiệp và hàng triệu bạn đọc thủy chung... đã đồng hành cùng báo suốt chặng đường 45 năm qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, chí tình đó trên những bước đường sắp tới" - Tổng Biên tập Tô Đình Tuân bày tỏ.
Trân quý tấm lòng bạn đọc
Trong chặng đường 45 năm trưởng thành và phát triển, Báo Người Lao Động rất vui mừng và trân quý khi nhận được sự đồng hành của quý bạn đọc, trong đó có rất nhiều bạn đọc ủng hộ mua Báo hơn 10 năm, hơn 20 năm, hơn 30 năm, hơn 40 năm. Trong số những bạn đọc chung thủy với báo, có ông Nguyễn Phan Đống (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), người đặt mua Báo Người Lao Động suốt gần 45 năm qua, từ những số đầu tiên của Báo Công Nhân Giải Phóng.
Cảm kích trước sự gắn bó thủy chung của bạn đọc nói chung, trong đó có bạn đọc Nguyễn Phan Đống, tại lễ kỷ niệm, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã có thư cảm ơn và tặng quà cho ông.
Không ngừng hướng về phía trước
Tiền thân của Báo Người Lao Động là Báo Công Nhân Giải Phóng, ra đời theo chỉ đạo của Đặc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vào năm 1965, trở thành tiếng nói của Liên hiệp Công đoàn giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Lúc đó, Báo Công Nhân Giải Phóng xuất bản 3 tháng/kỳ, mỗi kỳ chỉ 4 trang nhưng đã góp công lớn vào cuộc đấu tranh thắng lợi của công nhân đô thị Sài Gòn và cả miền Nam. Phải ngưng xuất bản vào năm 1967 do thành viên chủ lực trong Ban Biên tập là ông Đinh Khắc Cần (tức Hai Cần) bị địch bắt, 8 năm sau, vào ngày 28-7-1975, Báo Công Nhân Giải Phóng được tái lập và chính thức trở lại với bạn đọc trong vai trò mới, vị thế mới.
Gần nửa thế kỷ qua, Báo Công Nhân Giải Phóng - Người Lao Động (từ năm 1990) đã không ngừng phát triển, tiến về phía trước, từ xuất bản mỗi tuần 1 kỳ vào năm 1975, trở thành nhật báo vào năm 2006, xuất bản đủ 7 kỳ/tuần và nhanh chóng tiếp cận xu thế số hóa báo chí, phát triển mạnh mẽ thành cơ quan báo chí - truyền thông đa phương tiện chuyên nghiệp, hiện đại như ngày nay.
Học Bác về tinh thần trách nhiệm
Tại huyện Cần Giờ, TP HCM ngày 25-7, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Báo Người Lao Động, Đảng ủy - Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã tổ chức buổi sinh hoạt Đảng bộ toàn cơ quan lần 2 về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với chủ đề "Học Bác về tinh thần trách nhiệm".
Đoàn Báo Người Lao Động thắp hương tại Đài Tưởng niệm chiến sĩ rừng Sác. Ảnh: TẤN THẠNH
Tại buổi sinh hoạt, các đảng viên đã trao đổi, chia sẻ về tinh thần trách nhiệm theo tấm gương của Bác Hồ. Tinh thần trách nhiệm càng trở nên quan trọng, nhất là đối với những người làm báo là trách nhiệm với công việc, tờ báo, bạn đọc và xã hội...
Dịp này, toàn thể cơ quan cũng đến tham quan các địa chỉ "đỏ" của cách mạng Việt Nam: căn cứ của lực lượng Biệt động Sài Gòn như: Hầm vũ khí bí mật ở đường Võ Văn Tần, Bảo tàng của CLB Kháng chiến, Chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ) để tưởng nhớ và hiểu thêm về cuộc chiến đấu của những chiến sĩ đặc công năm xưa.
Bình luận (0)