Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Hà Giang.
Giao đất sai quy định
Theo kết luận của TTCP, phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích được cấp giấy chứng nhận chủ yếu là đất phi nông nghiệp. Hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý liên quan đến việc giao quản lý và sử dụng đất còn thiếu và yếu, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nay giao cho các ban quản lý rừng thuộc các huyện quản lý cũng chưa có hồ sơ kỹ thuật và pháp lý về đất đai. "Ranh giới giữa đất rừng sản xuất với đất rừng phòng hộ còn chưa rõ ràng, tạo kẽ hở cho một số vi phạm trong quá trình rà soát, sắp xếp như chặt phá rừng, khai thác rừng không đúng pháp luật, kinh doanh, làm nhà ở vào đất rừng, làm giảm hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường" - kết luận nêu.
Theo TTCP, năm 1993 UBND huyện Bắc Quang cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền với tổng diện tích 17,4 ha (Công ty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo 7,7 ha, Công ty CP Chè Hùng Anh 9,7 ha) vi phạm Luật Đất đai nhưng cho đến nay chưa được UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo việc thu hồi theo quy định.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ đất đã giao cho 3 Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham, Ngòi Sảo, Vĩnh Hảo quản lý sử dụng đã được UBND tỉnh Hà Giang thu hồi điều chỉnh từ 14.213 ha (năm 1999) giảm xuống còn 10.210 ha (năm 2011) nhưng 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các công ty chưa được thu hồi để điều chỉnh diện tích và tên người sử dụng theo quy định.
Tổng TTCP đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hà Giang về quản lý, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ để khảo sát, đo đạc, xác định bản đồ chính xác về diện tích, vị trí, phân loại chính xác về đất do các ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng.
Một cánh rừng ở tỉnh Hà Giang bị chặt hạ. Ảnh: TTXVN
Thanh tra hời hợt
Theo cơ quan thanh tra, việc triển khai các quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn chậm, chưa kịp thời. Căn cứ diện tích kê khai của các đơn vị để xác định số tiền phải thu từ cho thuê đất đối với các công ty là chưa phù hợp với thực tế sử dụng và các quy định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa được chú trọng. Các cơ quan chức năng trong tỉnh chưa chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực này. Từ năm 2000-2016 mới chỉ triển khai 4 cuộc tại 4 công ty, còn đối với đất rừng phòng hộ, chưa tổ chức cuộc thanh tra nào. Theo TTCP, việc phát hiện vi phạm qua thanh tra chưa được quan tâm, xử lý kịp thời, kết quả xử lý sau thanh tra còn hạn chế.
Kết luận thanh tra khẳng định để xảy ra những hạn chế, tồn tại nêu trên, trách nhiệm chung thuộc Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Quang, Quang Bình (giai đoạn 2005-2016).
Xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm
Về xử lý trách nhiệm, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và sử dụng đất rừng. Chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, các ban quản lý rừng phòng hộ, các công ty trong tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra những vi phạm.
Bình luận (0)