Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn thấp. Chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Ông Nguyễn Văn Bình dẫn chứng xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, cụ thể năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan các gian trưng bày triển lãm về công nghệ 4.0 Ảnh: TTXVN
Hiện nay chưa có hành lang pháp lý để thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. "Việt Nam còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư. Vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển" - ông Nguyễn Văn Bình nêu.
Vấn đề lớn được đặt ra tại diễn đàn là làm sao Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để giải bài toán này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng trước tiên phải đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế phù hợp với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. "Để cụ thể hóa việc này, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn DN, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Be Group, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách kích thích đầu tư cụ thể và sâu rộng các lĩnh vực như cơ sở dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo… Việt Nam phải có đầy đủ nguồn lực cả con người lẫn nền tảng công nghệ. Do đó, Tổng Giám đốc Be Group cho rằng các chính sách như ưu đãi thuế khuyến khích DN hay thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự trong ngành sẽ kêu gọi được khối DN tư nhân tham gia đầu tư và phát triển các ứng dụng sáng tạo, đầu tư vào các nền tảng công nghệ 4.0 và chia sẻ hệ sinh thái để tận dụng toàn bộ nguồn lực xã hội. Đại diện Be Group cũng đề xuất cơ chế cho các DN thí điểm áp dụng mô hình kinh doanh mới.
Nhìn nhận những cơ hội lớn đến từ chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong chuyển đổi số, các DN công nghệ số, DN công nghệ - thông tin - truyền thông sẽ là hạt nhân. "Chúng ta cần hàng trăm ngàn DN trên khắp Việt Nam để đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy "make in Vietnam", hình thành các DN công nghệ số Việt Nam quy mô lớn để đi ra toàn cầu" - ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trước những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò quan trọng của con người để luôn sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi rất khó dự báo của công nghệ. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với DN, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước để "không đứng ngoài" cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bình luận (0)