Lần đầu tôi được gặp và trò chuyện với nhà báo Thái Duy là vào trung tuần tháng 7-2020. Ông là một cộng tác viên lâu năm của Báo Người Lao Động, nên theo nhiệm vụ của Ban Biên tập, tôi đến để xin ý kiến của ông về 45 năm hình thành và phát triển của tờ báo.
Khi ấy, dù đã ở tuổi 95 nhưng ông vẫn rất minh mẫn và khi nói về nghề báo thì vô cùng hăng say, "máu lửa" như thời trai trẻ. Ông dành cho chúng tôi những lời tâm huyết: "Với bề dày thành tích và phát triển lớn mạnh trong suốt mấy chục năm qua, Báo Người Lao Động từng bước khẳng định là một tờ báo có uy tín, được đông đảo bạn đọc cả nước yêu mến".
Ông cũng đánh giá cao việc Báo Người Lao Động phát động chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Đây là việc làm thiết thực sau mặt báo, góp phần tiếp sức, động viên tinh thần cho bà con ngư dân ra khơi, khai thác thủy hải sản, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926, tại tỉnh Bắc Giang. Ông làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949. Đầu năm 1964, ông cùng Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc Trần Phong (bút danh Kỳ Phương), Thư ký tòa soạn Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí) vào miền Nam để xây dựng Báo Giải Phóng (thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam), số đầu tiên phát hành ngày 20-12-1964. Ngày 4-2-1977, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập vào Báo Đại Đoàn Kết và ra số đầu tiên ngày 5-2-1977.
Ông tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến năm 1995 thì nghỉ hưu. Là cây bút chủ lực của Báo Đại Đoàn Kết viết về "khoán chui" từ năm 1979 đến 1986, những bài báo của ông đã được tập hợp lại thành cuốn sách "Khoán chui hay là chết", được NXB Trẻ ấn hành năm 2013.
Nhà báo lão thành Thái Duy trong một lần tiếp Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đến thăm và trao tặng biểu trưng của chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”Ảnh: Ngô Nhung
Đã có rất nhiều người viết về nhà báo Thái Duy, dành cho ông sự kính ngưỡng. Trong bài báo có tựa: "Chui" ra chỗ sáng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 22-4-2013 của cố nhà báo Hữu Thọ (nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) viết về nhà báo Thái Duy có đoạn: "Nhiều anh chị em cùng thời nói Thái Duy là người chịu nhiều thiệt thòi. Anh thường nói vui, vì luôn phải di chuyển cho nên cả đời công tác của anh chưa bao giờ được làm tới chức tổ phó Công đoàn chứ không "với tới" các chức tước ở tờ báo anh công tác trong suốt đời cầm bút".
Nhà báo Thái Duy còn có một bút danh nổi tiếng nữa là Trần Đình Vân. Cái tên Trần Đình Vân gắn liền với cuốn sách "Sống như anh" - viết về cuộc đời anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh Trỗi. "Sống như anh" trở thành cuốn sách gối đầu của bao thế hệ, với hàng triệu bản in, từng dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từng tái bản rất nhiều lần.
Còn nhớ cách đây 2 năm, ngày 13-6-2020, tại TP Hà Nội, diễn ra hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu" nhân kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bảy nhà báo lão thành tiêu biểu được tôn vinh gồm Thái Duy, Phan Quang, Hà Đăng, Phạm Khắc Lãm, Hồ Tiến Nghị, Hồng Vinh, Nguyễn Thị Kim Cúc. Nhà báo Thái Duy hóm hỉnh nói rằng trong 7 nhà báo cao niên, chỉ duy nhất ông có chức vụ "cao nhất": phóng viên; còn lại đều là tổng biên tập, tổng giám đốc các cơ quan báo, đài!
Cả đời chỉ làm phóng viên, ông xem đó là chức phận cao quý nhất của người làm báo.
Bình luận (0)