Ngày 19-2, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp khẩn về vấn đề hạn mặn và sụt lún tàn phá với quy mô lớn trong những ngày qua.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện mực nước trên hệ thống kênh, mương khô cạn rất nhanh. Hạn hán khốc liệt đã làm thiệt hại 18.000 ha lúa; gần 43.000 ha rừng (gồm Vườn Quốc gia U Minh Hạ) đang trong tình trạng báo động cháy cấp IV, cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.
Hạn hán cũng là nguyên nhân chính làm hơn 900 vị trí ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụt lún, sạt lở với chiều dài gần 22 km. Trong đó, các công trình quy mô lớn như tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc và tuyến đê biển Tây cũng bị sụt lún nghiêm trọng.
Hiện trạng sụt lún kinh hoàng tại tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc
Theo ghi nhận của phóng viên tại tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT trị giá hơn 700 tỉ đồng), nhiều vết nứt xuất hiện cho thấy dấu hiệu sụt lún chưa dừng lại.
Trước đó, tối 30-1, đoạn đi qua ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau của tuyến đường này bất ngờ sụt lún sâu gần 2m, xé toang một nửa mặt đường rộng hơn 4m, dài 18m. Đến ngày 6-2, cách đó không xa lại tiếp tục xuất hiện sụt lún mới nghiêm trọng hơn, ăn sâu vào mặt đường khoảng 5 m, dài khoảng 30 m và sụt sâu khoảng 2,5 m.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau khảo sát điểm có nguy cơ sụt lún tiếp tại tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc
"Trước đó, nhìn thấy vết nứt tưởng bình thường, không ngờ nó sụt lún kinh hoàng đến vậy, khiến căn nhà của tôi đổ sập, bị kéo ra giữa lộ. Căn nhà này tôi dùng để hành nghề sửa xe và chứa phụ tùng, thiệt hại hơn 10 triệu đồng" - ông Trần Thanh Nhàn lo lắng.
Trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sụt lún tuyến đường BT 700 tỉ đồng thì rạng sáng 18-2, đường phòng hộ đê biển Tây (đoạn Đá Bạc đến Cống Kênh Mới, thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) lại sụt lún kinh hoàng không kém.
Khu vực sụt lún tuyến đường đê biển Tây có chiều dài khoảng 180 m, trong đó có khoảng 100 m bị sụt lún hoàn toàn (đường bê tông rộng 5,5m và lề đất mỗi bên 1m), chiều sâu từ 1,8 m đến 2 m. Theo quan sát bằng mắt thường, phía dưới lề phần sụt lún hiện có bùn nhảo chảy lên, nhiều khả năng phía dưới có chứa túi bùn. Trong khi đó, con kênh trục dọc tuyến đê đã cạn kiệt nước.
Ông Trịnh Minh Quốc, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết đoạn đê bị sụt lún nằm trong Dự án nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng, được triển khai thi công từ năm 2016. Riêng khu vực bị sụt lún thuộc đoạn từ Đá Bạc đến Cống Kênh Mới, dài khoảng hơn 4km, đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng vào tháng 4-2019 và còn trong thời gian bảo hành.
Đoạn đường đê biển Tây Cà Mau bị sụt lún vào rạng sáng 18-2
Gói thầu 4km đường nói trên có giá trị đầu tư khoảng 40 tỉ đồng, do một số doanh nghiệp liên doanh đến từ miền Bắc thi công.
Ông Lê Phong, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết ngoài 2 tuyến đường lớn này, trên địa bàn còn xuất hiện hơn 1.000 điểm sụt lún, sạt lở đất, tổng chiều dài khoảng 22 km.
Cụ thể, sụt lún làm hư hỏng hơn 100 tuyến đường bê-tông cốt thép, với hơn 500 điểm, chiều dài hơn 13 km. Hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch ở vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời đã phá huỷ đường giao thông, các công trình dân sinh với tổng chiều dài hơn 10 km.
Ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, cho biết hiện UBND tỉnh đã đồng ý tổ chức giám định nguyên nhân gây sụt lún tuyến đường. Tổ điều tra sự cố đang thuê đơn vị độc lập xác định nguyên nhân, sau đó sẽ có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Bình luận (0)