xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cả nước hướng về miền Trung

Thế Dũng - Nhật Luật- Hoàng Triều

Thủ tướng đồng ý xuất cấp cho Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, 100 tỉ đồng

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu người dân. Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Cứu trợ khẩn cấp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xuất cấp cho mỗi tỉnh gồm: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, 1.000 tấn gạo, "yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng", không để chậm trễ.

Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỉ đồng. Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.

Trong thời gian tới, lũ, bão đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn theo phương châm "4 tại chỗ"; tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống người dân với tinh thần không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cả nước hướng về miền Trung - Ảnh 1.

Phóng viên Quang Nhật của Báo Người Lao Động trao quà của bạn đọc hỗ trợ người dân vùng lũ ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế)Ảnh: QUANG LUẬT

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ngành khí tượng thủy văn làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan chức năng. Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các địa phương rà soát các kịch bản ứng phó, huy động các phương tiện, lực lượng cần thiết, phù hợp với từng tình huống, từng khu vực để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu người dân khi mưa lũ.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ trung ương phân bổ 20 tỉ đồng từ nguồn cứu trợ trung ương quản lý để hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do bão lũ gây ra tại 5 tỉnh miền Trung, trong đó hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình mỗi tỉnh 5 tỉ đồng; tỉnh Quảng Nam 3 tỉ đồng, tỉnh Hà Tĩnh 2 tỉ đồng.

Niềm động viên trong mùa lũ

Chiều cùng ngày, đại diện Báo Người Lao Động thay mặt cho các nhà hảo tâm và bạn đọc đến thăm hỏi, trao 20 suất quà cho người dân thiệt hại bởi lũ lụt tại xã Phú Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng, từ nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm gửi đến người dân miền Trung đang oằn mình gánh lũ.

Những ngày qua, hầu hết các thôn thuộc xã Phú Thanh bị chia cắt bởi nước lụt. Ông Phạm Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thanh, cho biết toàn xã có 1.255 hộ dân. Các điểm ngập nặng nhất tại 2 thôn Hải Thanh và Quy Lai, hơn 81 hộ thuộc diện nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp ngay khi nước lên. Trước đó, ảnh hưởng của bão số 5 khiến hơn 650 hộ dân xã Phú Thanh bị tốc mái, 30 hộ bị bão cuốn bay cả mái nhà.

"Xã Phú Thanh nằm ở cuối nguồn sông Hương nên nước lũ rút rất chậm. Người dân vừa lao đao bởi bão, nay lại phải chịu cảnh lũ chồng lũ nên rất khó khăn. Rất cần các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ" - ông Tiến vừa chèo vừa nói.

Sau hơn 10 phút chèo xuồng, đoàn đến nhà bà Nguyễn Thị Xá (57 tuổi, trú thôn Hải Thanh). Căn nhà khoảng chừng 20 m2, được che chắn tuềnh toàng bằng nhiều tấm bạt ni-lông. Bên trên, mái ngói nham nhở, nhiều mảng tôn hở ra khiến gió, mưa liên tục hắt vào. Hằng ngày, bà Xá lượm ve chai, gặt lúa thuê… để nuôi mẹ già 83 tuổi nằm liệt giường. Ngày nước lũ lên, bà Xá chới với. Nhờ hàng xóm chèo xuồng sang chở đi lánh nạn, hai mẹ con bà Xá giờ mới an toàn. "Mấy ngày qua, hai mẹ con phải ăn cơm với muối. Rất mừng khi được nhận tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Tiền này, tôi sẽ dành mua đồ ăn và ít thuốc thang cho mẹ" - bà Nguyễn Thị Xá cảm kích.

Cách đó không xa, gia đình ông Lê Văn Thơ (42 tuổi, bệnh nhân suy thận độ 4) cũng thuộc diện khó khăn, cần được hỗ trợ. Khi đoàn đến gặp, ông Thơ đang nằm nghỉ trước cửa nhà. Gương mặt phờ phạc, ông lo lắng nhìn theo con nước vẫn đang chảy xiết.

Ông Thơ cho hay mình là bệnh nhân suy thận cấp độ 4, cần đến bệnh viện chạy thận đều đặn 3 lần/tuần. Bị nước lũ chia cắt, ông hết đường đến bệnh viện, đành phải nhờ lực lượng chức năng dùng ca-nô đưa mình đến Bệnh viện Trung ương Huế. "Sự hỗ trợ của Báo Người Lao Động là hành động thiết thực và rất kịp thời. Mong rằng những người bệnh tật như tôi sẽ tiếp tục được xã hội quan tâm, đùm bọc khi tình hình lũ lụt vẫn đang phức tạp" - ông Thơ cảm kích.

Trước đó, ngày 18-10, Báo Người Lao Động cũng đã trao 10 phần quà hỗ trợ cho các hộ dân vùng lũ xã Phú Dương (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Chung lòng giúp nhau vượt khó

Là một trong những người hưởng ứng tinh thần thiện nguyện, bà Lê Thị Loan (trú thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã cùng một số người thân quyên góp, lập đoàn cứu hộ cho đồng bào miền Trung. Chiều 19-10, sau khi trao 200 suất quà cho người dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đoàn xe của bà Loan tiếp tục đến với các hộ dân đang bị ngập sâu ở các xã tại huyện Phú Vang.

Lúc này, đoàn gặp sự cố khi bị nước lũ chia cắt. Xe tải chở hàng cứu trợ không thể vượt nước dâng cao, đành phải dừng bánh tại khu vực cầu Diên Trường 2 (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Họ đã di chuyển không ngừng nghỉ từ Đắk Nông vào rạng sáng 18-10 để nhanh chóng đến với người dân vùng lũ nhưng phút chót phải chờ đợi.

Thấy đoàn xe gặp khó, nhiều người dân gần đó đã gọi điện cho lực lượng chức năng để báo tin. Khi xe tải đến, người đi đường đã tập trung, hỗ trợ đoàn từ thiện vận chuyển hàng cứu trợ. Hàng trăm túi quà được mọi người nhanh chóng chuyền tay nhau, chẳng mấy chốc đã được chất đầy bên xe tải mới. Đoàn xe vì thế cũng nhanh chóng được lên đường, đến địa điểm cứu trợ theo đúng lịch trình.

"Khi bắt đầu hành trình thiện nguyện, tôi chưa từng nghĩ đến chính mình là người được người dân vùng lũ giúp đỡ. Điều này làm mọi thành viên trong đoàn rất cảm động. Mong ước lớn nhất là có thể đem nhiều hàng cứu trợ đến với nhiều người dân vùng lũ hơn nữa" - bà Loan bày tỏ.

Tại TP Huế, bà Châu Thị Hoàng Mai, chủ khách sạn Alba (12 Nguyễn Văn Cừ, phường Vĩnh Ninh, TP Huế), cho biết: "Để tri ân những tấm lòng vì vùng lũ, vì người miền Trung, chúng tôi hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho toàn bộ các đoàn mỗi ngày 5 phòng miễn phí. Ngoài ra, cơ sở Nước khoáng thiên nhiên Alba cũng hỗ trợ mua 2 thùng tặng 3 thùng nước ngọt cho các đoàn thiện nguyện khi có nhu cầu mua nước ngọt để cứu trợ cho người dân vùng lũ".

Ngoài khách sạn Alba, tại TP Huế vẫn còn rất nhiều khách sạn khác hỗ trợ miễn phí cho các đoàn thiện nguyện đến vùng lũ. Đó là Huế Classic Hotel, Trường Giang Hotel, Sharkhomestay Huế, Hue Conrner Hostel, Saphire, Hue Lotus Homestay...

Không chỉ có chuỗi các khách sạn mà còn có chuyến xe, ghe đò hỗ trợ miễn phí những đoàn thiện nguyện vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến tận tay bà con vùng lũ. 

Cảm ơn những tấm lòng

Ngày 19-10, cụ bà Phạm Thị Nhơn (91 tuổi) và bà Phạm Thị Hường (87 tuổi; ngụ phường 15, quận 10, TP HCM) gửi gắm người cháu đến Tòa soạn Báo Người Lao Động nhờ đóng góp 5,5 triệu đồng đã tiết kiệm từ lương hưu trí. Tiếp đó, Công ty Luật Kinh Luân đến Tòa soạn trao 5 triệu đồng, Phạm Minh Chí (quận 10): 200.000 đồng, bà Nguyễn Thị Hằng Nga (huyện Củ Chi, TP HCM): 3 triệu đồng, Phạm Khánh Anh (475 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM): 3 triệu đồng, Đào Gia Phú (quận 3, TP HCM): 5 triệu đồng, Đặng Nguyễn Hoàng Vy (quận 3): 5 triệu đồng... Tổng số tiền ủng hộ trong ngày là 50.510.000 đồng, nâng tổng số tiền ủng hộ từ đầu chương trình đến nay là hơn 2,1 tỉ đồng.

Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua Chương trình "Trái tim miền Trung".

Bạn đọc và các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gửi tại Tòa soạn Báo Người Lao Động (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) hoặc các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của báo trên cả nước:

- Hà Nội: 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Điện thoại (ĐT): (024) 39274484.

- Đà Nẵng: 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. ĐT: (0236) 3837623.

- Tây Nguyên - Nam Trung Bộ: 6 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: (0258) 3510889.

- TP Cần Thơ: 97 Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. ĐT: (0292) 3814462.

- Đông Nam Bộ: 16 Nguyễn Du, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0903343439.

- Phú Quốc: 58 Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông. ĐT: 0909767779.

Báo Người Lao Động sẽ nhanh chóng tổ chức các chuyến cứu trợ người dân vùng bị thiên tai.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

BAN BIÊN TẬP

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo