xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cả nước kề vai cùng TP HCM

Thế Dũng

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu TP HCM phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành xây dựng kịch bản đến 50.000 ca mắc Covid-19

Ngày 8-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP HCM về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Khuyến nghị 3 hình thức giãn cách

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp TP HCM lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.

Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị TP HCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn TP áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung. Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao 5-7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp, lấy mẫu theo hộ gia đình.

TP HCM cần chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca mắc). Tất cả bệnh viện (BV) sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng; khu cuối cùng điều trị bệnh nhân nguy kịch gồm các BV: Chợ Rẫy, Bệnh nhiệt đới TP HCM, 115, Nhân dân Gia Định.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong tháng 7 này, 8,7 triệu liều vắc-xin về đến Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP HCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ, chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.

Tận dụng tối đa 15 ngày để kiểm soát dịch

Báo cáo phương án chuẩn bị thực hiện Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã khảo sát, đánh giá khả năng bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tại hơn 2.800 điểm cung ứng và 28.000 cửa hàng bách hóa. Thương nhân 3 chợ đầu mối được tập huấn, hướng dẫn tổ chức tiếp nhận thực phẩm bằng phương thức giao dịch trực tuyến.

TP HCM cũng chuẩn bị khoảng 400 taxi phục vụ người dân có nhu cầu đến BV, trung tâm y tế trong trường hợp cấp cứu. "Tận dụng tối đa 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP HCM đã ban hành kế hoạch kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với các đầu việc cụ thể, triển khai theo từng ngày để giao nhiệm vụ trực tiếp cho lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Bộ Y tế và các đơn vị liên quan hỗ trợ 500 chuyên gia, sinh viên ngành y tế công cộng, dự phòng để phục vụ công tác truy vết; 1.000 bác sĩ, 4.000 điều dưỡng để chuẩn bị phương án sẵn sàng điều trị cho 20.000 ca mắc. Về đề xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định TP HCM thiếu bao nhiêu nhân lực thì bộ sẽ hỗ trợ, chi viện bấy nhiêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã được thành lập, do một thứ trưởng đứng đầu. Bộ sẽ phối hợp các địa phương cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định đã có hướng dẫn cụ thể như cấp phù hiệu ưu tiên cho các xe vận tải theo hình thức trực tuyến bất kể ngày đêm; tạo "luồng xanh" không dừng nhưng lái xe phải đáp ứng quy định phòng chống dịch…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các phần mềm chống dịch đã tích hợp vào hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó khâu nhập dữ liệu và trả kết quả xét nghiệm đã bắt đầu chạy từ sáng 8-7. Hiện có gần 100 kỹ sư công nghệ thông tin tại Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia hỗ trợ TP HCM 24/24 giờ.

Cả nước kề vai cùng TP HCM - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị TP HCM thực hiện 3 hình thức giãn cách xã hội. Ảnh: NHẬT BẮC

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc thực hiện Chỉ thị 16 với TP HCM là một quyết định rất khó khăn nhưng cần thiết và phù hợp trong lúc này, đã được cân nhắc kỹ lưỡng, trao đổi nhiều lần. Các ý kiến đều đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp TP HCM.

"Chính phủ tiếp tục phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP HCM, các Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực được giao tiếp tục sát cánh hằng ngày với TP HCM" - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, sinh phẩm, vật tư y tế phải ưu tiên đáp ứng tối đa và theo yêu cầu của TP.

Thủ tướng nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm tới người lao động mất việc, người nghèo, người yếu thế theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng triển khai linh hoạt để không ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu cầu thiết yếu.

Yêu cầu việc chi viện, hỗ trợ phải tập trung, thống nhất, Thủ tướng đề nghị TP HCM cử một cán bộ làm đầu mối chỉ đạo để điều phối công tác này. Về ách tắc trong khâu thẩm định, đánh giá trang thiết bị y tế nhập khẩu phục vụ chống dịch, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phải tháo gỡ ngay vướng mắc, xem lại toàn bộ quy trình công nhận trong bối cảnh "chống dịch như chống giặc".

Thủ tướng nêu rõ nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tiếp tục tổ chức sản xuất, khuyến khích các nhà máy cho công nhân ăn, nghỉ tại chỗ để duy trì hoạt động trong 15 ngày giãn cách, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. 

Từ 0 giờ ngày 9-7, tỉnh Đồng Nai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày; tỉnh Khánh Hòa giãn cách xã hội TP Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh theo Chỉ thị 16 trong 14 ngày.

X.Hoàng - K.Nam

Theo Bộ Y tế, ngày 9-7, lô vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca thứ 3 do chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại dự kiến đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Như vậy, Nhật Bản đã hỗ trợ và chuyển đủ cho Việt Nam 2 triệu liều vắc-xin. Còn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, 2 triệu liều vắc-xin Moderna do Mỹ cung cấp thông qua cơ chế COVAX sẽ được chuyển đến Việt Nam trong ngày 10-7.

Trong ngày 8-7, Việt Nam có 393 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Cả nước ghi nhận thêm 1.314 ca mắc Covid-19 (7 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 1.307 ca ghi nhận trong nước). Trong đó, 1.226 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Các địa phương có số ca mắc nhiều nhất là: TP HCM (915 ca), Bình Dương (135), Đồng Tháp (108)...

N.Dung

Thực hiện đúng việc tiếp nhận người về từ TP HCM

Liên quan việc cách ly y tế người đến/về từ TP HCM, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc hướng dẫn UBND các tỉnh, thành về việc tiếp nhận người từ TP HCM đến/về địa phương.

Theo công văn này, người từ TP HCM đến các tỉnh, thành khác phải cách ly tại nhà 7 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần (trong ngày đầu, ngày thứ 3 và thứ 6) ; tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian cách ly tại nhà.

Giải thích về số ngày cách ly chỉ là 7 ngày thay vì 21 ngày như một số địa phương đang thực hiện, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết: Các trường hợp về các tỉnh, thành từ TP HCM được coi là đối tượng có nguy cơ vì đi từ vùng dịch tễ, chứ không phải là trường hợp F1. Do đó, các trường hợp về/đến từ TP HCM cần tuân thủ việc cách ly y tế và xét nghiệm theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Với các trường hợp khác thuộc diện F1, F2 và người nhập cảnh vẫn thực hiện cách ly y tế theo quy định của Bộ Y tế.

2-ảnh-box-2

Không thể xuống ga Huế, 26 công dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đành đi tàu ra ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ảnh: ĐỨC NGHĨA

Một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn theo chỉ đạo tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Vì vậy, các địa phương cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly đối với người đến/về từ TP HCM.

Ngày 8-7, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh, và ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã cùng chủ trì họp báo và trả lời về việc 26 công dân Thừa Thiên - Huế từ TP HCM trở về buộc phải xuống ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) vào rạng sáng cùng ngày và cách ly tập trung, chứ không thể xuống ga Huế.

Ông Nguyễn Văn Phương khẳng định Thừa Thiên - Huế không cấm đoán người từ vùng dịch về địa phương. Từ ngày 27-4 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 10.317 người về từ TP HCM, trong đó 2.114 người đang cách ly tập trung. Các khu cách ly tập trung đã quá tải nên tỉnh này mới ngừng tiếp nhận người từ TP HCM về Huế cả đường hàng không lẫn đường sắt.

Theo ông Phương, tỉnh Thừa Thiên - Huế mong muốn người dân chia sẻ, nếu không có vấn đề khẩn cấp nên ở yên tại chỗ để công tác phòng chống dịch đỡ vất vả hơn. Việc tạm dừng bán vé khách đi tàu từ ga Sài Gòn về ga Huế, tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thông báo đến công dân để có hướng dẫn khi về. Sự việc 26 công dân xuống ga Đông Hà thì chính quyền tỉnh không hề hay biết. Nếu các công dân mong muốn về nhà, tỉnh luôn sẵn sàng đón công dân trở về.

Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định trong công tác phòng chống dịch thì Thừa Thiên - Huế không phân biệt công dân của địa phương nào. Tỉnh sẽ trao đổi, phối hợp với Quảng Trị để bảo đảm an toàn cho những người này.

N.Dung - Q.Nhật

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo