Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 18-4, ông Võ Ngọc Anh, Trưởng Công an xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), cho biết các lực lượng đã theo dõi cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer) gần một năm nay khi bà này thu mua vỏ và phế phẩm cà phê. Vào chiều tối 15-4, khi có tin báo cơ sở này đang chế biến nguyên liệu cà phê, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đến bắt quả tang.
Những thùng, thau dùng để hòa pin với nước đem nhuộm với phế phẩm. Ảnh B.N
Cũng theo ông Anh, trong biên bản lời khai ban đầu, bà Loan cho biết đã bán nhiều tấn nguyên liệu này cho một số người tại các thành phố ở Đông Nam bộ. Mỗi đợt pha trộn bằng cối trộn hồ có khoảng 6 tấn phế phẩm cà phê trộn cùng 1 thùng pin (khoảng 24 viên). "Bà Loan khai nhận chỉ trộn phế phẩm với chất bột đen trong viên pin chứ không phải trộn cả vỏ" – ông Anh nói.
Cũng theo ông Anh, bà Loan chuyển hộ khẩu đến địa phương sinh sống vào tháng 1-2016. Cơ sở của bà Loan mặc dù được cấp phép thu mua nông sản nhưng không thu mua nông sản trong dân và không treo biển hiệu. Bên cạnh đó, sản phẩm của cơ sở bà Loan không bán trên thị trường xã. Tuy nhiên, trước những biểu hiện bất thường, lực lượng xã đã nắm tình hình từ nhiều tháng trước rồi báo cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Nhiều tạp chất, phế phẩm được dùng để sản xuất cà phê. Ảnh B.N
Theo giấy phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đắk R’lấp cấp, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer) ngành nghề kinh doanh của bà Loan là thu mua nông sản, vốn kinh doanh 1 tỉ đồng và đăng kí kinh doanh lần đầu ngày 19-8-2016.
Theo quan sát của chúng tôi, phía sau ngôi nhà xây cấp 4 nơi bà Loan sinh sống, có một xưởng rộng khoảng 100m2 với nhiều vật dụng nằm la liệt để sơ chế cà phê. Trên nền xi măng của xưởng, còn rất nhiều bãi vỏ cà phê, đá sỏi nhỏ nằm vương vãi khắp nơi. Nhiều thùng đựng nước đen ngòm từ bột than của pin bốc ra mùi nồng nặc rất khó chịu. Hàng trăm bao tải nhem nhuốc chứa nguyên liệu làm cà phê được chất đầy xung quanh tường. Những nguyên liệu để làm sản phẩm này có vỏ cà phê, pin con Ó, đá sỏi nhỏ… và rất nhiều tạp chất đen ngòm chưa được xác định. Cơ sở này đã sử dụng cối trộn hồ để đảo trộn tạp chất với lõi pin để sản xuất cà phê.
Pin con Ó được dùng để nhuộm phế phẩm thành cà phê. Ảnh B.N
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, ngày 15-4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn lẫn với đất, bột đá. Để có nguồn nguyên liệu, hằng ngày bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ…tại các đại lý. Sau đó mua pin về dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với các phế phẩm để chế biến thành cà phê.
Theo thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, bà Loan thừa nhận hỗn hợp màu đen là nước và pin con ó để nhuộm đen phế phẩm cà phê sau đó sấy khô, đóng bao. Hiện nay cơ quan chức năng đã niêm phong 15 tấn phế phẩm cà phê đã được ngâm và tẩm đen, 500kg vỏ cà phê, cà phê nát, 35kg pin, 10 kg hỗn hợp nước và pin. Ngoài ra, trong kho của bà Loan còn khoảng 7 đến - 8 tấn phế phẩm cà phê hiện cơ quan chức năng đang kiểm kê để thu giữ.
Bình luận (0)