UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cơ quan chức năng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, khẩn trương liên lạc với các tàu thuyền đang còn hoạt động ngoài khơi để tìm nơi trú tránh, kiên quyết không để người ở trên tàu. Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bạc Liêu, cho biết toàn tỉnh có khoảng 1.200 tàu đánh bắt trên biển với khoảng 6.000 ngư dân. Đến cuối ngày 23-12, phần lớn tàu thuyền đã vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn. Cũng theo ông Ân, điều đáng lo là hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 người sống theo tuyến rừng phòng hộ, tuyến ven biển. Chính quyền địa phương đã bố trí, chuẩn bị sẵn sàng các điểm để tiếp nhận người dân đến tránh, trú bão.
Tại Cà Mau, kể từ 16 giờ ngày 23-12 đã cấm tuyệt đối các tàu thuyền ra khơi. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh xác nhận đến tối cùng ngày đã liên lạc được với hơn 4.500 tàu. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn hơn 900 tàu với khoảng 7.900 ngư dân đang hoạt động trên biển; gần 400 tàu đánh bắt xa bờ chưa về kịp.
Sáng cùng ngày, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Sóc Trăng họp khẩn và có văn bản yêu cầu các cấp địa phương trong tỉnh tập trung ứng phó bão, nhất là các huyện ven biển như Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương kêu gọi ngư dân đưa hết tàu thuyền vào bờ; phối hợp sơ tán dân sống ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ngày 23-12, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, chủ trì cuộc họp khẩn. Lệnh cấm tàu thuyền ra khơi cũng được UBND tỉnh này ban bố vào chiều cùng ngày. Tỉnh cũng chỉ đạo sẵn sàng phương án cho học sinh nghỉ học, công nhân nghỉ làm. Đặc biệt, sẵn sàng phương án sơ tán, di dời 300.000 hộ dân vùng nguy hiểm trong tình huống xấu nhất.
Mọi phương án chỉ đạo ứng phó bão số 16 cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai. Trước đó, từ 15 giờ ngày 22-12, tỉnh đã ban hành lệnh cấm tất cả tàu thuyền ra khơi. Tính đến cuối ngày 23-12, có 5.930 tàu đã vào bờ, 1.475 tàu chưa vào bờ. Tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên hệ, hướng dẫn số tàu này vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, còn 25 tàu với 1.343 ngư dân đang vào tránh trú bão tại Indonesia, 3 tàu với 29 ngư dân đang tránh bão tại Malaysia, vẫn chưa có thông tin quay về Việt Nam. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Ngoại giao liên lạc và có hướng giúp đỡ.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT-TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết thêm tỉnh đã lên phương án sơ tán khoảng 78.000 dân ở khu vực ven biển các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo, TP Vũng Tàu vào khu vực an toàn.
TP HCM: Sơ tán người dân lúc cần thiết
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 23-12, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, UBND huyện Cần Giờ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án phòng chống bão số 16. Huyện có khoảng 800 phương tiện đánh bắt hải sản nhưng chỉ 56 phương tiện đánh bắt xa bờ, ngoài vùng ảnh hưởng của bão, số đông còn lại chủ yếu hoạt động ven bờ, sáng đi chiều về. Việc kiểm đếm, kiểm soát, cấm tàu thuyền ra khơi được huyện thực hiện nghiêm. Đến thời điểm này, UBND huyện cũng đã huy động tất cả lực lượng túc trực 24/24, phương tiện vận chuyển, địa điểm di dời dân để sơ tán người dân lúc cần thiết.
Bình luận (0)