Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và rửa tay dưới vòi nước chảy trong vòng 20 giây hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn. Ngoài ra, duy trì khoảng cách ít nhất 1 m giữa bạn và người khác, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, hắt hơi và sốt.
Hạn chế tiếp xúc với người bị sốt, ho
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng bởi tay chạm vào nhiều bề mặt có thể bị nhiễm virus và nếu chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng bàn tay bị nhiễm bẩn có thể truyền virus từ các bề mặt bị nhiễm sang chính mình. "Nếu bị sốt, ho và khó thở thì hãy đến cơ sở y tế sớm. Trước khi đến hãy gọi điện thoại báo trước cho cơ sở y tế để chia sẻ các thông tin về dịch tễ" - Bộ Y tế khuyến cáo.
Đối với các cơ quan, công sở, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động tăng cường công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Cụ thể, che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe, như: tập thể dục giữa ca, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng... Đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Đối với người sử dụng lao động, Bộ Y tế đề nghị cần bảo đảm thông gió tốt tại nơi làm việc cũng như bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh. Với các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ... tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động, cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch... Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương, thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095.
Về việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, chỉ sử dụng khẩu trang y tế nếu có các triệu chứng về hô hấp (ho hoặc hắt hơi) hoặc tiếp xúc, chăm sóc người nghi ngờ nhiễm Covid-19.
Nguy cơ lây nhiễm trong gia đình là cao nhất
Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), nguy cơ lây nhiễm trong gia đình là cao nhất, sau đó có thể nói đến môi trường công sở. Cần ghi lại nhật ký đi lại cá nhân đầy đủ: đi đâu, có đi đến nơi nào nguy hiểm, đông người trong thời gian gần đây hay không? Nếu đi máy bay thì là chuyến nào, số ghế nào? Bản thân người quản lý trực tiếp cũng nên nhắm rõ nhân viên của mình đi công tác ở đâu trong thời gian qua, có ai bị bệnh hô hấp không?
Ngoài ra, cần kết hợp với các biện pháp đã biết khác như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, mở các cửa sổ cho môi trường thông thoáng, nhiệt độ phòng 25 độ C trở lên và tốt nhất là khoảng 27 độ C. Địa phương nào lạnh cần trang bị máy sưởi, phòng có thêm quạt càng tốt.
BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo rằng trong bất cứ tình huống nào, nếu thấy một "chùm ca bệnh" xuất hiện trong gia đình hoặc nơi bạn làm việc, những người bệnh cần đi khám ngay. Vì nếu tự nhiên 2-3 người trở lên cùng bị bệnh hô hấp, đó rất có thể do một loại siêu vi gây nên. Trong mùa này, không loại trừ siêu vi đó là virus corona mới gây Covid-19.
BS Trương Hữu Khanh cũng đưa ra một nguyên nhân lớn khiến người có nguy cơ nên ý thức việc cách ly: "Theo các nghiên cứu, hơn 70% bệnh nhân Covid-19 bị lây từ gia đình. Cách ly trước hết là bảo vệ gia đình của người cần cách ly".
Súc họng để phòng bệnh
TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (nơi đã điều trị thành công 2 bệnh nhân Trung Quốc nhiễm Covid-19), chia sẻ để phòng tránh bị nhiễm bệnh (hay lây truyền cho người khác) chúng ta phải cố gắng ngăn chặn virus đi vào vùng hầu họng của chính mình nên cần súc họng với dung dịch sát khuẩn. Một khi virus lọt vào miệng dung dịch sát khuẩn hầu họng sẽ đón sẵn để tiêu diệt nó. Và khi các virus sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài thì dung dịch sát khuẩn cũng đợi sẵn để tiêu diệt. Như vậy, kể cả người chưa nhiễm và người đã nhiễm thì dung dịch sát khuẩn hầu họng sẽ là cách sau cùng phòng chống nhiễm bệnh cũng như phát tán bệnh.
Việc dùng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng để súc miệng cũng cần phải đúng cách mới hiệu quả. Có những loại dung dịch sát khuẩn có khả năng diệt được virus nhưng cũng có những loại không. Và mỗi loại dung dịch có khả năng diệt virus trong những khoảng thời gian khác nhau, có loại kéo dài 1-2 giờ sau khi súc họng nhưng có loại dài hơn 4 giờ. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc cơ bản sau:
1/Phải súc họng chứ không súc miệng. Có nghĩa là ráng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà bạn có thể chịu được. 2/ Không cần quá nhiều trong một lần súc, khoảng 5 ml là đủ. Càng nhiều các bạn càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng. 3/ Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi từ ngoài về nhà (hay ngay khi tiếp xúc gần với người khác). Nếu trên máy bay thì nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin) hay ngay sau khi ăn. 4/ Trong vùng có dịch thì súc định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch. 5/ Đừng chủ quan nghĩ rằng nút chặn sau cùng này thay thế được các biện pháp khác. Hiệu quả của việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp.
Cách súc họng là mỗi lần khoảng 2 phút, trong đó có 3 lần đưa xuống họng mỗi lần khoảng 15 giây. Sau khi súc xong để nguyên không súc lại bằng nước.
Bình luận (0)