Ngày 12-8, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác CCHC của thành phố. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.
8 nội dung bị trừ điểm
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân cho biết đến quý I/2022, thành phố đã giải quyết 5.220.139/5.330.464 tổng hồ sơ tiếp nhận. Trong đó có 5.212.990 hồ sơ đúng hạn; 7.149 hồ sơ quá hạn và đã thực hiện thư xin lỗi. Tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tăng 0,13% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là gần 800.000 hồ sơ. Tổng số dịch vụ công trực tuyến là 805/1.764 thủ tục, đạt tỉ lệ hơn 45%.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá các cơ quan hành chính đã có nhiều nỗ lực nhưng còn nhiều việc phải làm hơn nữa
Về chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2021, ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin thành phố đạt 86,05%, xếp 43/63 địa phương trong cả nước, giảm 20 bậc nhưng điểm tuyệt đối tăng 1,35% so với kết quả năm 2020.
Mổ xẻ nguyên nhân giảm bậc, Giám đốc Sở Nội vụ nói có 8 nội dung liên quan đến Chỉ số CCHC mà thành phố bị trừ điểm là công tác chỉ đạo điều hành; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính; lĩnh vực tác động đến phát triển kinh tế - xã hội; kết quả tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát - Văn phòng Chính phủ, nhìn nhận thành phố còn chậm trong liên thông các thủ tục hành chính. Năm 2022, TP HCM thực hiện 5,3 triệu hồ sơ nhưng mới chỉ có 11.000 hồ sơ được nhập vào phần mềm một cửa của Cổng dịch vụ công quốc gia. TP HCM cần sớm cập nhật tất cả hồ sơ thủ tục hành chính vào phần mềm của quốc gia để có đánh giá toàn diện, bởi đây là yếu tố phản ánh rõ nhất chất lượng giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Chính phủ, tất cả 800 dịch vụ công trực tuyến phải được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, TP HCM chỉ có 22 dịch vụ được kết nối.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát - Văn phòng Chính phủ đề nghị TP HCM nghiên cứu phân cấp việc tiếp nhận đối với loại thủ tục hành chính có nhu cầu lớn để hạn chế người dân, doanh nghiệp phải đến sở, ngành…
Tổ chức hội nghị "chỉ trích nhau"
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các cơ quan hành chính đã có nhiều nỗ lực và mang lại nhiều kết quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của TP HCM cũng như mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và so với các tỉnh, thành thì CCHC của thành phố còn phải làm nhiều hơn nữa. "Không chỉ nhìn thấy những hạn chế mà phủ nhận kết quả nhưng cũng không lấy lý do thành phố lớn, thành phố thế này thế khác để không nhìn thẳng vào những hạn chế" - Chủ tịch UBND TP HCM nói rõ.
Đề cập Chỉ số CCHC năm 2021, ông Phan Văn Mãi cho biết điểm tuyệt đối tuy có tăng nhưng vị trí xếp hạng tụt 20 bậc cho thấy TP HCM có nỗ lực nhưng các địa phương khác nỗ lực hơn và đạt kết quả tốt hơn.
Còn về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (TP HCM đạt 8,6559/10 điểm; bị trừ 1,3441 điểm so với năm 2020), Chủ tịch UBND TP HCM nói chưa cần nhìn vào con số mà chỉ cần đặt câu hỏi ngay tại hội nghị rằng các sở, ngành có thật sự hài lòng với nhau chưa, bao nhiêu sở không hài lòng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc; bao nhiêu quận, huyện không hài lòng với sở, bao nhiêu sở không hài lòng với quận, huyện... là có thể biết. "Việc nêu đích danh từng sở không phải để phê bình mà dẫn chứng cho câu chuyện nội bộ giữa các sở, ngành còn chưa hài lòng" - ông Phan Văn Mãi nói và cho hay sắp tới, lãnh đạo TP HCM sẽ tổ chức hội nghị cho các sở, ngành "chỉ trích nhau" để thấy được những vấn đề tồn tại và tập trung giải quyết.
Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh phải tập trung vào các hạn chế, các chỉ số giảm điểm, các ý kiến chuyên gia để khắc phục, cải thiện với tinh thần tìm giải pháp và hành động để có kết quả chứ không tìm cách giải thích. Từng thủ trưởng cần liên hệ cụ thể thực tiễn để xác định những công việc cần tập trung, phân công, đôn đốc thường xuyên để cải thiện nhanh thủ tục hành chính. Đồng thời, các đơn vị cần quan tâm giải quyết thủ tục hành chính, trả lời phản ánh, kiến nghị, đối thoại với người dân, doanh nghiệp để giải quyết.
Riêng với Sở Nội vụ, ông Phan Văn Mãi lưu ý, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC TP HCM, Sở Nội vụ cần rà soát lại và thực hiện vai trò nhắc việc, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá…, qua đó xác định các bất cập để kiến nghị các cấp giải quyết.
Bình luận (0)