Câu chuyện lương hưu giáo viên (GV) mầm non được chúng tôi chuyển tải đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bên hành lang các phiên họp của kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV.
Phải có việc làm cụ thể
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - cho rằng lương và phụ cấp của GV được nói tới từ rất lâu và trong quan điểm của Đảng rất muốn lương của GV ở thang bậc cao nhất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quan điểm ấy chưa được cụ thể hóa bằng các chính sách dẫn đến lương của GV thấp trong các bậc học thấp, đặc biệt là bậc mầm non.
Hầu hết giáo viên mầm non ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa sau khi nghỉ hưu có mức lương hưu rất thấp, từ 1,3 triệu đồng/tháng trở xuống Ảnh: THANH TUẤN
Theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, đã đến lúc QH cũng như Chính phủ cần phải có những hành động thiết thực để giải quyết bất hợp lý này. Sự chia sẻ đã nói rất nhiều nhưng phải có việc làm cụ thể để ghi nhận, tôn vinh cống hiến của thầy cô, để họ an tâm cống hiến và vơi bớt nỗi lo sau khi về hưu. "Chúng tôi cũng muốn ghi nhận sự tôn vinh ấy, không phải chỉ là những lời chúc mừng, chỉ là trên giấy tờ mà trước hết bằng sự ứng xử. Cái ứng xử rõ nhất là mức sống của họ, thu nhập của họ, đồng lương của họ. Nếu làm được những điều ấy, GV - đặc biệt là GV mầm non - mới yên tâm cống hiến bằng tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người vốn rất cao quý" - ĐB Mai Hoa bày tỏ.
ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề xuất về lâu dài, chính sách đối với GV cần được QH quan tâm để sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019. Lý do là vì áp dụng Luật Viên chức hiện nay gặp nhiều trở ngại và đang mâu thuẫn với điều 58 của Luật Giáo dục, làm giảm vị thế nhà giáo do chưa xem xét đến nghề đặc thù, một nghề bất cứ xã hội nào cũng đòi hỏi phải có sự trân trọng tôn vinh.
Liên quan đến việc cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh sau 37 năm dạy học chỉ được nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói ông đã nhìn tận mắt bảng lương và sổ bảo hiểm của cô và cũng không ngờ thấp đến thế. Ông đặt vấn đề: "QH cần xem xét việc đóng và hưởng chế độ BHXH như vậy đã thỏa đáng chưa? Nếu chưa thì chúng ta tìm cách giải quyết".
Bảo đảm mức sống khi về hưu
Chia sẻ với những thiệt thòi quyền lợi mà GV mầm non gánh chịu, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị QH cần nghiên cứu sửa đổi luật, trên cơ sở đó điều chỉnh tăng lương cho GV, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non cho phù hợp thực tiễn.
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, cô giáo mầm non vừa phải phát huy trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ vừa phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu. "Họ rất xứng đáng nhận được đồng lương cao hơn. Chúng ta phải cương quyết không còn tình trạng như cô Trương Thị Lan, những cô giáo chỉ có lương hưu không quá 1,3 triệu đồng/tháng" - ông Hiểu nêu quan điểm.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cũng nhìn nhận lương hưu 1,3 triệu đồng của cô giáo mầm non là quá thấp so với một người có số năm cống hiến gần nửa cuộc đời. Do vậy, từ thực trạng này, cần rà soát lại chính sách tiền lương của đội ngũ cán bộ nói chung và của riêng đội ngũ cán bộ GV mầm non ở các cơ sở.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, ông Bùi Sỹ Lợi, góp thêm từ câu chuyện của cô giáo Lan, cần phải nghiên cứu cơ chế, giải thích để những người tham gia BHXH thấy rằng "muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao; thời gian đóng BHXH phải dài, để làm sao đủ 75% lương bình quân khi nghỉ hưu". Theo ông Lợi, trên thế giới, không có nước nào mà mức hưởng lương hưu lại cao đến 75% tiền lương đóng BHXH như nước ta mà chỉ đến 50%-60% thôi. Bất hợp lý là dù tỉ lệ hưởng cao như vậy nhưng số tuyệt đối lại thấp vì mức tiền đóng BHXH quá thấp. Người lao động chủ yếu đóng trên tiền lương tối thiểu vùng, chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng chứ không phải đóng trên tổng thu nhập.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, nhìn nhận với 37 năm công tác nhưng lương hưu mỗi tháng chỉ 1,3 triệu đồng quả là bất công và chắc chắn không ai bằng lòng cả. Do đó, vị Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh đây cũng là dịp để các cơ quan, ban ngành cần nhìn thẳng vấn đề về "đóng - hưởng" BHXH, để từ đó có thể ban hành chính sách bảo đảm mức sống cho người lao động khi về hưu.
Giải quyết những bất hợp lý trong chính sách BHXH chẳng hề dễ dàng, nhất là những hệ lụy do hoàn cảnh lịch sử để lại. Thực tế, theo ông Sơn, chúng ta đang điều chỉnh bằng chính sách BHXH tiến bộ. Đó là theo quy định của Luật BHXH 2014 (sửa đổi), từ ngày 1-1-2018, tiền lương hằng tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, chứ không chỉ là đóng BHXH theo mức lương tối thiểu như hiện nay. Điều này sẽ giúp người lao động nhận được mức lương hưu cao hơn.
3.228 người hưởng lương hưu dưới mức tối thiểu
Bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam, cho biết ngoài GV mầm non, cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu dưới mức tối thiểu (thấp hơn mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng). Đơn cử như cán bộ cấp xã không chuyên trách cũng đóng bảo hiểm trên nền lương cơ sở, thời gian đóng cũng ngắn nên mức hưởng lương hưu chỉ đạt từ 55%-60% lương tối thiểu. Ngoài ra còn có những đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở mức đóng thấp nhất nên cũng chỉ hưởng mức lương hưu rất thấp.
Bình luận (0)