Là một trong những dự án bị "treo" lâu nhất ở TP HCM - dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) đã có thể "hồi sinh" khi lãnh đạo UBND TP HCM liên tục đưa ra những mệnh lệnh mang tính bắt buộc cùng những bước tiến hành bài bản và cụ thể để tìm nhà đầu tư cho dự án này.
Muốn vào Bình Quới - Thanh Đa phải đủ lực
Đầu tiên là việc UBND TP đang gấp rút tìm nhà đầu tư mới thông qua việc Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Động thái này nhằm chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô lớn, phức tạp để bảo đảm tính khả thi, triển khai nhanh dự án. Để "chắc ăn" hơn, ông Tuyến lưu ý báo cáo cần phải nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể cùng tiêu chí lựa chọn (tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền bảo đảm đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm).
Người dân ở bán đảo Thanh Đa tin rằng với những cam kết và cách thức chọn nhà đầu tư chặt chẽ của UBND TP HCM, sắp tới đây cuộc sống của họ sẽ ổn định Ảnh: SỸ ĐÔNG
Trong thời gian tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, UBND TP cũng giao UBND quận Bình Thạnh chủ trì, phối hợp với các sở - ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TP về các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân khu vực dự án. Ngoài ra, phó chủ tịch UBND TP còn giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án kéo dài; để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực dự án.
Đặc biệt, người đứng đầu chính quyền TP - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã cam kết sẽ giải quyết dứt điểm dự án "treo" này. "Triển khai được không cũng giải quyết dứt điểm chứ không thể để thế này nữa. Bởi đặt mình trong cảnh người dân sẽ thấy được nỗi khổ của dân, không chỉ dự án này mà còn những dự án khác" - ông Phong nhấn mạnh.
Nghiêm trị sai phạm
Một dự án khác đang được chính quyền TP tiến hành tháo gỡ sau hơn 20 năm triển khai là khu dân cư Miếu Nổi. Cụ thể, UBND TP đã yêu cầu Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển đô thị (nay là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long) phối hợp các cơ quan chức năng để tiếp tục thực hiện, khắc phục các tồn tại của dự án Miếu Nổi do Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển đô thị để lại; chấp hành nghiêm việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính mà công ty phải nộp ngân sách theo quy định; hoàn ứng ngân sách TP số tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng trường mầm non nhưng công ty không chứng minh được khu đất đã bồi thường, không cung cấp được hồ sơ quyết toán tiền tạm ứng.
Những sai phạm ở dự án Miếu Nổi đã được UBND TP HCM ban hành “tối hậu thư” để khắc phục Ảnh: PHAN ANH
Kế đến, UBND TP giao chủ tịch UBND quận Bình Thạnh kiểm tra, rà soát toàn bộ kết quả thực hiện dự án Miếu Nổi, yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện đầy đủ các công trình phúc lợi công cộng, bảo đảm dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực, cũng như quyền lợi hợp pháp của hộ dân bị ảnh hưởng để sớm ổn định cuộc sống. Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát toàn bộ các căn hộ, nền đất của dự án phục vụ tái định cư; các chế độ ưu đãi mà chủ đầu tư được hưởng đối với các căn hộ, nền đất tái định cư; đề xuất hướng xử lý đối với việc các căn hộ, nền đất tái định cư nhưng chủ đầu tư đã khai thác bán thương mại. UBND TP cũng giao Thanh tra TP xem xét kế hoạch kiểm tra tổng thể dự án.
Theo tìm hiểu, dự án Miếu Nổi được UBND TP giao đất vào năm 1994, do Công ty Đầu tư và Phát triển đô thị trực thuộc Tổng Công ty Xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng là chủ đầu tư (sau đó là Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển đô thị). Tuy nhiên, sau 20 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng. Mặt khác, chủ đầu tư chỉ tập trung đầu tư, khai thác và thu lợi nhuận tại các khu đất thương mại, nhà ở, khu chung cư, trong khi các công trình phúc lợi công cộng như trường học, công viên cây xanh, đường giao thông chính 12AB vẫn chưa thực hiện bồi thường giải tỏa và đầu tư theo đúng quy hoạch. Việc kéo dài thực hiện dự án ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các hộ dân trong ranh dự án, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp.
Dứt khoát, dân mới tin!
Bình luận về cam kết của chủ tịch UBND TP liên quan đến dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng từ khi có quy hoạch, rất nhiều doanh nghiệp thấy nếu đầu tư vào Bình Quới - Thanh Đa là "hốt bạc". Chính vì lẽ đó mới "đẻ" ra không ít các nhà đầu tư dù không đủ năng lực tài chính nhưng lại hám "miếng bánh ngon" tìm mọi cách nhảy vào. Đến khi không tìm được đối tác có tiềm lực thì "nhả" ra và quy hoạch cứ thế "treo" là tất yếu. Nay TP đưa ra kế hoạch đấu thầu với quy định ngặt nghèo về bảo đảm tài chính thực hiện dự án thì rõ ràng đơn vị nào trúng thầu đều đủ năng lực và như vậy, việc thực hiện dự án, gỡ "treo" chắc chắn sẽ đạt được.
Không chỉ các chuyên gia bất động sản lạc quan, sau cam kết của chủ tịch UBND TP, đa phần người dân Thanh Đa tin rằng lần này họ sẽ thoát... "treo". Có lẽ, do bị "treo" hàng chục năm nên người dân - như anh Nguyễn Văn Tiến - cũng có cái nhìn không thua gì chuyên gia khi bình luận: "Bình Quới - Thanh Đa mắc cạn là do lòng tham mà ra". Giải thích rõ hơn, anh Tiến nói rằng qua vài lần thay đổi nhà đầu tư, điều mà anh và cư dân ở đây nghiệm ra có nhiều nhà đầu tư muốn làm "chủ" khu Bình Quới - Thanh Đa dù năng lực tài chính hạn chế. "Lần này, tôi có niềm tin là cư dân Bình Quới - Thanh Đa được giải thoát khỏi quy hoạch "treo". Hơn nữa, cùng với các chính sách đi kèm khi trúng thầu thực hiện dự án như UBND TP vừa đưa ra thì cư dân đã bắt đầu dễ thở hơn" - anh Tiến vui vẻ chia sẻ.
Theo một số hộ dân ở Thanh Đa, dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nếu không tìm được nhà đầu tư lớn thì chính quyền TP có thể tìm được nhà đầu tư nhỏ bằng cách chia nhỏ dự án. Khi đó, dù có bị dời đi, anh cũng không buồn bởi chuyện đền bù, giải tỏa cũng đã rõ ràng. Hơn cả là Bình Quới - Thanh Đa sẽ dần thay da đổi thịt như kỳ vọng của TP. Tương tự, quay trở lại dự án Miếu Nổi, chưa bàn đến đúng sai, điều mà người dân khu vực này ít nhiều hài lòng là chuyện chính quyền đã ra tay xử lý các sai phạm kéo dài hàng chục năm, gây bức xúc kéo dài.
Thông điệp mạnh mẽ từ HĐND TP HCM
Đại biểu HĐND TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định dự án "treo" ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nên khó chấp nhận. Đồng tình, đại biểu Trần Quang Thắng cho rằng quy hoạch treo tạo ra bất công, vì vậy nếu quy hoạch sai hoặc không thực hiện nhiều năm thì phải bỏ quy hoạch đó.
Còn đại biểu Cao Thanh Bình đề nghị UBND TP và các sở, ngành tập trung rà soát tất cả dự án mà đã thông qua chủ trương thu hồi đất nhưng chậm triển khai thực hiện. Tiếp đến, xem xét năng lực của chủ đầu tư nếu không còn đủ khả năng thì mạnh dạn đề xuất thu hồi để tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-9
Bình luận (0)