Lãnh đạo các xã cho biết họ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo huyện, nhằm "bảo đảm bí mật nhà nước".
Trụ sở UBND các cấp có phải là khu vực cấm? Không phải. Đó là nơi người dân thường xuyên đến trong giờ hành chính để gặp cán bộ giải quyết công việc, vậy thì sao lại cấm họ "xâm nhập"!?
Hơn thế nữa, người dân được quyền giám sát công khai hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành công vụ. Quyền này đã được quy định trong luật "mẹ", tức Hiến pháp 2013. Do đó, ngoại trừ khu vực quốc phòng - an ninh hoặc các mục tiêu bí mật theo quy định của nhà nước thì trụ sở UBND các cấp là nơi người dân được quyền ra vào, chụp ảnh, ghi âm... Cấm người dân thực hành những quyền này là trái luật. Trong trường hợp người dân sử dụng quyền của mình cho mục đích xấu thì đã có các điều khoản pháp luật khác chế tài, xử lý.
Sự thiếu hiểu biết pháp luật và thái độ quan liêu, cửa quyền cùng hợp sức đẩy cán bộ xa dân hơn, mà trường hợp dựng biển cấm ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An và dùng ngân sách sắm camera gắn cho nhà các ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng để "bảo vệ cán bộ" mới đây là những ví dụ. Cán bộ mà tận tụy và trong sáng thì đâu lo bị ai giám sát, dẫu có cả trăm cái máy ghi hình cũng chẳng vấn đề gì. Gần dân và dốc sức dốc lòng vì dân thì sẽ được dân quý, dân bảo vệ, đâu phải cần tới camera nhằm "chống khủng bố" hay ngăn chặn tấn công!
Nơi không phải cấm thì ra quy định, chỗ cần có quy định thì lại để mở. Chẳng hạn lối sống, ứng xử trong không gian di sản, di tích, danh thắng - là những địa chỉ văn hóa và du lịch, thường có rất đông người lui tới - phải như thế nào? Bởi vậy nên mới có chuyện 4 nam thanh niên gần như khỏa thân phóng môtô lên đèo Mã Pí Lèng, dừng chân tại nhà hàng - nhà nghỉ Panorama (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang; đang gây lùm xùm vì xây dựng trái phép) để check-in và phát video trực tiếp khiến dân tình dậy sóng. Hầu hết đều phẫn nộ, lên án hành vi phản cảm này. Một lãnh đạo huyện Mèo Vạc khi xem mấy tấm hình khỏa thân giữa Mã Pí Lèng Panorama đó cũng bực tức đến mức phải thốt lên: "Bọn điên này ở đâu ra?".
Nhưng những người bị chỉ trích thì bảo họ làm thế vì động cơ tốt, là để kêu gọi "bảo vệ môi trường" (!?). Mắng mỏ hay xử phạt họ, dựa trên cơ sở nào? Trong khi đó, các cơ quan chức năng có muốn phạt vi phạm hành chính nhóm thanh niên này cũng không dễ vì pháp luật chưa quy định rõ.
Tương tự, tháng trước, một cô gái đi du lịch Hội An (Quảng Nam) lên tầng thượng một quán cà phê có tiếng để "cởi" và chụp ảnh, ghi hình, phát lên Facebook clip 25 giây "Khoảng trời này là của riêng em". Lên án, đòi xử phạt... đủ cách song rốt cuộc chẳng ai làm gì được cô gái ấy.
Vậy, nguyên nhân nằm ở khoảng trống pháp lý, phải sớm được bịt kín. Và khi đã quy định cụ thể rồi thì cũng cần chọn cách tuyên truyền, phổ biến phù hợp để tránh trường hợp có quy định cũng như không!
Bình luận (0)