Sau hơn 1 ngày TP HCM cấm xe khách giường nằm vào nội thành, đến ngày 11-1, ghi nhận cho thấy trong khung giờ cấm từ 6 giờ đến 22 giờ, đa phần các tài xế tuân thủ.
Hình ảnh trái ngược
Các tuyến đường như Đồng Đen, Hồng Lạc, Phạm Phú Thứ, Âu Cơ (quận Tân Bình) không thấy cảnh xe khách giường nằm đỗ chờ khách như mọi khi. Một người dân sống gần chung cư Bàu Cát (nơi các nhà xe Đình Nhân, Việt Thành… thường xuyên đón rước khách đi các tuyến Quảng Nam, Quảng Ngãi) cho biết 2 hôm nay khu vực này vắng vẻ, không thấy người dân tay xách nách mang ngồi chờ lên xe như trước.
Tương tự, chúng tôi đi dọc các trục đường xương sống dẫn vào trung tâm TP như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương… không thấy bóng dáng của xe khách giường nằm như trước.
Tuy nhiên, tình hình ngược lại diễn ra tại các tuyến đường ngoài vành đai cấm xe giường nằm. Đi dọc Quốc lộ 1, từ quận Bình Tân đến quận 12 trong sáng 11-1, chúng tôi thấy xe khách dừng, đón trả khách dọc đường rất bát nháo. Hầu như chỗ nào có cây xăng, trạm xe buýt là có khách ngồi chờ.
Nhà xe Đình Nhân đi tuyến Quảng Nam tập trung đón khách trước chợ An Sương (Quốc lộ 1) .Ảnh: THU HỒNG
Nhà xe Kim Hưng hẹn đón khách trên Quốc lộ 1. Lơ xe vừa chạy vừa mang hàng của khách lên xe .Ảnh: THU HỒNG
Trước cửa hàng xăng dầu Tân Hưng Thuận (quận 12) tầm 10 giờ có 5 hành khách mang theo nhiều hành lý ngồi. 5 phút sau, xe khách giường nằm hãng Kim Hưng đến, 3 lơ xe nhảy xuống đường, vội vã mang hàng hóa của khách cho vào thùng. Một lơ xe luôn miệng hối "mọi người nhanh lên". Chưa đầy 5 phút, xe chạy. Hình ảnh tương tự cũng diễn ra trước cây xăng dầu Năng Lượng (phường Tân Thới Hiệp, quận 12).
Cũng trong sáng 11-1, ống kính phóng viên ghi nhận phía trước văn phòng nhà xe Phương Trang (798 đường Song hành, Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức), một xe khách của hãng này đang chờ khách. Do mặt đường nhỏ trong khi chiếc xe đậu lại chiếm nửa lòng đường khiến các phương tiện lưu thông cùng chiều buộc lấn sang làn kế bên để đi tiếp. Hơn 15 phút có mặt tại đây, chúng tôi chưa thấy chiếc xe rời đi. Trong khi đó, cách văn phòng này chưa tới 300 m là bảng cấm xe trên 16 chỗ dừng, đỗ suốt tuyến đường.
Xe khách Phương Trang đậu phía trước văn phòng trên đường Song hành Xa lộ Hà Nội.Ảnh: Ý LINH
Khách than, tài xế thì phân trần
Khoảng 14 giờ 20 phút ngày 11-1, ghi nhận một "bến cóc" đoạn dưới chân cầu Bình Lợi (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) có hàng chục xe khách giường nằm đang đậu. Nhân viên nhà xe Bảy Tàu tất bật xếp những thùng hàng lớn lên xe mang biển số 77B-020..
Trong vai hành khách, phóng viên đã lên xe Bảy Tàu. Từ bãi xe, xe này xộc thẳng qua cầu để chạy trên Quốc lộ 13 (hướng từ TP Thủ Đức đi tỉnh Bình Dương) khiến các phương tiện khác vội vã né vào lề. Khi vừa đến Quốc lộ 1, xe này bất ngờ rẽ vào cây xăng Saigon Petro (phường Tam Bình, TP Thủ Đức). Có 5 hành khách xách vali lên xe.
Một số nhân viên nhà xe cho biết thành phố cấm xe thì đành chạy "lén". Họ nói mình làm ăn chân chính nên… chạy "lén" rất khổ.
Về phía hành khách, anh P.X.T (SN 1985; ngụ Bình Thuận) thường xuyên đi lại giữa TP HCM - Bình Thuận cho biết thời điểm giá xăng tăng cao vào tháng 6-2022, hai hãng xe khách lớn chạy tuyến cố định TP HCM - Bình Thuận đồng loạt tăng giá vé từ 140.000 đồng lên 180.000 - 190.000 đồng (xe khách giường nằm loại phổ thông). Đến tháng 9-2022, khi giá xăng hạ nhiệt nhưng vé của các hãng xe này vẫn giữ mức 190.000 đồng. Trong một lần mua vé xe về Bình Thuận, anh T. hỏi thì được nhân viên hãng xe lý giải rằng các tuyến xe khách cố định TP HCM - Bình Thuận bị buộc dời sang Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). "Xe qua bến mới gánh nhiều chi phí nên giá vé chưa giảm được" - anh T. kể lại lời tài xế.
Theo tìm hiểu, thời gian này là dịp cận Tết, nhiều hãng xe từ TP HCM đi Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và ngược lại đang đội giá gấp 2-3 lần. Các hãng xe lấy lý do về bến bãi mới, quy định mới của TP HCM để nâng giá và mong khách hàng… thông cảm.
Làm tốt công tác tuyên truyền
Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, cho hay thực hiện quy định cấm xe khách giường nằm lưu thông vào nội thành từ 6-22 giờ, Phòng CSGT TP HCM đã phối hợp với Sở giao thông Vận tải dự báo trước tình hình nên đã đặt các biển báo, làm tốt công tác tuyên truyền. Do đó, quá trình công tác không gặp khó khăn. Nhìn chung các phương tiện, tài xế, chủ xe chấp hành nghiêm túc quy định mới.
"Việc cấm xe khách giường nằm từ 6-22 giờ, không để tình trạng xe khách đón trả khách không đúng nơi quy định xảy ra sẽ góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để ùn tắc giao thông xảy ra, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP" - vị thượng tá chia sẻ.
Được biết, trong ngày đầu tiên cấm xe khách giường nằm, lực lượng CSGT TP HCM đã xử lý 15 trường hợp vi phạm, mức tiền phạt trung bình là 2,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 2 tháng…
Phải chờ đúng giờ mới được vào
Tại ngã tư cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức) vào 22 giờ tối 10-1, nhiều xe khách giường nằm sau thời gian "án binh bất động" tại Quốc lộ 1 dồn dập vào đường Phạm Văn Đồng. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, 8 xe chạy vào tuyến đường này.
Hơn 22 giờ đêm 10-1, ôtô khách nối đuôi vào trung tâm thành phố .Ảnh: ANH VŨ
Vừa rời khỏi xe trên đường Phạm Văn Đồng, bà Nghinh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết mình vừa đi xe từ Đà Lạt về . Lúc đầu dự định là hơn 21 giờ đến nhưng nhà xe thông báo xe chưa thể vào nội thành nên phải dừng chờ. Theo bà Nghinh, dù cấm xe được kỳ vọng giảm ùn tắc, tai nạn nhưng vẫn phải chờ một thời gian mới biết được, còn trước mắt thì người dân và nhà xe khá bất tiện.
Bình luận (0)