Chiều 8-9, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức tọa đàm "Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)".
Chính sách chưa công bằng
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng theo quy định pháp luật trong đầu tư theo phương thức PPP thì quan hệ giữa nhà nước và nhà đầu tư bình đẳng, hài hòa lợi ích các bên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều chính sách bất cập. "Nhà nước yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện nhiều cam kết về chất lượng, tiến độ,...; thực hiện các bảo lãnh như tạm ứng, thực hiện hợp đồng,...; nếu không thực hiện sẽ bị xử lý. Nhưng ở chiều ngược lại, có trường hợp nhà nước không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì không bị xử lý vì không có chế tài" - ông Thắng nói và nêu ví dụ tại dự án hầm đèo Cả, phần vốn ngân sách nhà nước tham gia là 5.048 tỉ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 3.868 tỉ đồng. Việc chưa được bố trí vốn như cam kết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, các chính sách, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi như quy định về thuế, giá/phí hay về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.
Còn ông Đinh Văn Tiếp, Tổng Giám đốc Công ty Phương Nam, cho biết nhà đầu tư đã có nhiều văn bản báo cáo Chính phủ vướng mắc về BOT nhưng chưa được giải quyết. "Doanh thu hiện không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng" - ông Tiếp than và cho biết ngân hàng đang ngấp nghé đưa nhà đầu tư vào nhóm nợ xấu nếu không trả lãi và gốc đúng cam kết. "Nhà đầu tư ngoài làm BOT còn tham gia nhiều lĩnh vực khác, nếu bị đưa vào nhóm nợ xấu rất khó tham gia các dự án khác. Trong khi đó lỗi nợ xấu không phải chủ quan của nhà đầu tư, mà do yêu cầu phải giảm phí, không được tăng phí, kết quả chỉ có nhà đầu tư chịu" - ông Tiếp bức xúc.
Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn Ảnh: ĐÌNH QUANG
Cần làm rõ cơ chế chia sẻ rủi ro
Theo ông Phan Văn Thắng, Luật PPP quy định khi doanh thu có sự thay đổi (tăng hoặc giảm) được cơ quan nhà nước xác định và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan,... thì nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này. Đây là chính sách mới, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai.
Về tỉ lệ vốn, Bộ Giao thông Vận tải đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia lớn hơn 50% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, Luật PPP quy định tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Quy định này không phù hợp với tình hình thực tế, sẽ gây khó khăn cho các dự án tại các khu vực có điều kiện khó khăn, các khu vực miền núi và vùng ĐBSCL, nơi điều kiện địa hình, địa lý phức tạp dẫn tới không bảo đảm phương án tài chính cho dự án.
Theo các đại biểu, để tạo sự yên tâm, thu hút nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia các dự án mới thì nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, thông thoáng và phù hợp với thực tiễn. "Nhà nước cần tham gia đầu tư công một số hạng mục có suất đầu tư lớn như cầu vượt, nút giao,... đối với các dự án quan trọng tại các vùng có điều kiện địa hình, địa chất, phức tạp để bảo đảm hiệu quả đầu tư" - ông Phan Văn Thắng đề nghị.
Có ngân hàng nói không với BOT
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Thường trực VARSI, nêu thực tế các ngân hàng đang thắt chặt tín dụng và hạn chế cho vay với nhà đầu tư PPP. "Hiệp hội nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư trong thu xếp tín dụng. Nguyên nhân là do những vướng mắc của các dự án BOT trước đây và hệ lụy từ phần cho vay khiến các ngân hàng rất sợ như: lộ trình tăng phí không đúng, doanh thu không bảo đảm trả lãi, thay đổi cam kết. Có những ngân hàng đã nói không với BOT" - ông Thế nói và cho rằng chính sách hiện nay chưa đồng bộ nên dù nói là thu hút đầu tư tư nhân nhưng chưa có chính sách kèm theo để hỗ trợ.
Bình luận (0)