Ngày 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Lo mở rộng thì khó hiệu quả
Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết dự thảo luật quy định trách nhiệm phòng chống tham nhũng (PCTN) nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số chế định về phòng ngừa tham nhũng đối với một số tổ chức xã hội, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến UBTP tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến khi còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ quy định thẩm tra bản kê khai tài sản Ảnh: NGUYỄN NAM
Tán đồng, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra là tốt, tuy nhiên việc kê khai tài sản ở cán bộ, công chức có số lượng là rất nhiều, vì vậy nếu mở rộng ra khối tư nhân thì có làm tốt không, có khả thi hay không? Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị cần hết sức cân nhắc, thận trọng, phải có lộ trình, có những quy trình, thủ tục, đối tượng rõ ràng.
Giải đáp về những băn khoăn của nhiều thành viên UBTVQH, Tổng TTCP Lê Minh Khái cho biết việc mở rộng đối tượng điều chỉnh chỉ còn 3 đối tượng là tổ chức xã hội; công ty đại chúng; tổ chức tín dụng. "Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai" - ông Khái khẳng định.
Tài sản không chứng minh được phải thu thuế 45%
Dự luật quy định cụ thể đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Chính phủ đề xuất quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm và người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về việc hình thành tài sản, thu nhập theo 2 phương án. Tuy nhiên, Chính phủ lựa chọn phương án 1, vì cho rằng phương án này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Cụ thể phương án 1 quy định: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân, với mức thuế suất 45%.
Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được hiến định. Mặt khác, đặc điểm xã hội Việt Nam là người dân có truyền thống tích lũy, tặng cho, thừa kế... "Không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng "suy đoán có tội". Cần phải thận trọng, có bước đi phù hợp, tránh tùy tiện" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga góp ý.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho rằng hiện nay, diện đối tượng phải kê khai tài sản tiến hành theo kiểu "vừa làm vừa dò" mà luật tăng thêm đối tượng là rất khó thực hiện.
Khó tìm được tài sản bất minh
Tổng Thư ký QH cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ quy định thẩm tra bản kê khai tài sản. "Hiện nay khi đọc hồ sơ nhân sự được giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu làm sao mà biết được họ kê khai tài sản đúng hay sai. Thực tế có chuyện cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Luật phải thiết kế làm sao có muốn tham nhũng cũng không được" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Từ đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào. "Kể cả ứng cử viên bầu đại biểu QH cũng cần có thẩm tra sơ bộ về kê khai tài sản chứ để bầu rồi lại bãi nhiệm thì không hay chút nào cả. Khóa này có đến 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm, đau xót lắm" - ông Phúc chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết căn cứ vào quy định trong dự luật thì khó có thể tìm được tài sản bất minh vì không thể xác minh được tài sản cất giữ trong con cái đã thành niên, họ hàng, thân thích...
Chấp hành ít nhất nửa thời gian mới được xem xét đặc xá
Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Đại diện cơ quan soạn thảo luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và nhà nước.
Từ năm 2009 đến năm 2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được trên 3.184 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đặc xá đã bộc lộ những tồn tại, bất cập; cụ thể là diện người được đặc xá tha tù trước thời hạn với số lượng lớn, đối tượng rộng nên chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa đặc ân của nhà nước đối với người phạm tội.
UBTP nhìn nhận dự thảo luật được thiết kế theo hướng quy định chặt hơn cả về thời gian chấp hành hình phạt tù cũng như hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác hay phải phạm tội lần đầu. Nếu như luật hiện hành quy định đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân thì dự thảo lần này điều chỉnh thành đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân.
Về điều kiện chấp hành xong hình phạt bổ sung về dân sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong lo ngại nếu xử lý không khéo sẽ tạo cú sốc rằng người giàu, người có tiền thực hiện thì được đặc xá còn người nghèo, không có tiền thì ở tù suốt đời.
Bình luận (0)