Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Trong đó quy định rõ việc tặng quà và nhận quà tặng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn.
Theo nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Đồng thời, việc tặng quà phải đảm bảo công khai trong cơ quan, đơn vị theo quy định.
Đáng chú ý, nghị định quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
"Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định"- Nghị định của Chính phủ nêu rõ.
Nghị định của Chính phủ quy định người có chức vụ, quyền hạn không được nhận quà tặng dưới bất cứ hình thức nào - Ảnh minh họa
Nghị định quy định rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Nghị định cũng nêu rõ trong trường hợp không từ chối được, thì quà tặng phải được xử lý theo quy định. Đối với quà tặng bằng tiền thì thủ trưởng, cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp ngân sách theo quy định.
Đối với quà tặng bằng hiện vật, phải xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhận tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá.
Sau đó, quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật, nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được.
Nếu quà tặng là dịch vụ tham quan, du lịch, y tế, giáo dục-đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc nước ngoài thì phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
Nghị định cũng hướng dẫn việc xử lý đối với quà tặng là động vật, thực phẩm tươi sống và hiện vật khác khó bảo quản thì căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-8 tới.
Nghị định quy định rõ cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Bình luận (0)