Cũng tại cuộc họp này, các đại biểu HĐND đã chỉ rõ trong chương trình giám sát của HĐND về 37 dự án ven biển còn nhiều dự án vi phạm.
Trong đó, nhiều dự án giao đất không qua đấu giá, xác định thời hạn thuê đất chưa đúng quy định, nhiều trường hợp chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đại biểu yêu cầu công khai tất cả các dự án cho người dân biết.
Yêu cầu này hoàn toàn chính đáng vì đất là tài sản của người dân, không thể để lãng phí, trong khi nguồn lực của địa phương hạn chế, nguồn thu trong dân không thể đáp ứng hết nhu cầu phát triển.
Nhiều năm qua, việc giao đất cho doanh nghiệp ở Đà Nẵng gây không ít bức xúc với người dân. Điều kiện sống bị ảnh hưởng và mất sinh kế, người dân đã phản ánh, khiếu nại trong thời gian dài. Lắm khi tiếng kêu than của họ không được đáp từ, cũng có trường hợp tiếng nói của họ được lắng nghe. Ví dụ trường hợp bị ngăn lối xuống bến tàu ở Nam Ô, UBND TP Đà Nẵng phải can thiệp, thông lối cho dân đi.
Tại nhiều địa phương khác, vấn đề giao đất cho doanh nghiệp có quá nhiều khuất tất. Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Đắk Lắk, Bình Thuận…, nơi nào cũng "nóng" chuyện đất đai, gây nhiều bất ổn, xáo trộn cuộc sống người dân.Pháp luật hiện nay đã khá hoàn thiện. Ai giao đất sai phải bị xử lý. Khi giao đất cho doanh nghiệp đều có cam kết cụ thể thời gian triển khai dự án, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nộp ngân sách, hiệu quả mang lại cho xã hội… Chính quyền căn cứ vào đó mà xử thẳng tay thì cán bộ và nhà đầu tư mới "biết sợ" và làm đúng luật.
Làm được như vậy mới ngăn ngừa và giải tỏa bức xúc trong dân, đồng thời phát huy được hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Bình luận (0)