Mới đây, UBND TP Hà Nội tiến hành lấy ý kiến về dự thảo quy định quản lý hồ Tây. Theo đó, dự thảo nêu 12 loại hình dịch vụ được phép hoạt động gồm tàu du lịch, thuyền, xuồng ca nô, xe đạp nước trên hồ (không lưu trú qua đêm); vận chuyển hành khách bằng phương tiện thủy (kết hợp các công ty lữ hành du lịch quốc tế và nội địa trong khu vực).
Các dịch vụ bơi thuyền gồm chèo thuyền sup, thuyền kayak, chèo thuyền rồng, thuyền truyền thống; hoạt động thuyền lướt ván, thuyền buồm; bơi lặn…
Trong quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận được UBND TP phê duyệt, hồ Tây sẽ có 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy. Quận Tây Hồ tổ chức đầu tư và quản lý sau đầu tư đối với các hạng mục này. Tàu thuyền hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ ở đây cũng do quận Tây Hồ quản lý.
Tháng 11-2022, UBND quận Tây Hồ cũng cho chỉnh trang lại ven hồ Tây khi thay mới hơn 2 km lan can cũ và lắp đặt hệ thống chiếu sáng trang trí bằng đèn led và thay một phần đá vỉa hè ven Hồ Tây.
Trong dự thảo quy định quản lý hồ Tây, đáng chú ý là việc dự kiến sẽ cho phép mở lại hoạt động kinh doanh tàu du lịch, thuyền, xuồng canô, xe đạp nước trên hồ sau 6 năm tạm dừng.
Ghi nhận tại khu vực hồ Tây đoạn phố Nhật Chiêu, hiện vẫn còn 4 phương tiện gồm 3 tàu và 1 sàn nổi của 2 doanh nghiệp chưa chấp hành di dời, án ngữ mặt hồ, làm mất đi nét đẹp vốn có của hồ Tây.
Theo đó, do bị bỏ hoang lâu, những chiếc du thuyền neo đậu còn lại đang bị hoen gỉ, cũ nát
Nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng.
Các thiết bị, bàn ghế hư hỏng chất đống trên tàu.
Những chiếc du thuyền hoen gỉ thu hút ánh nhìn của nhiều người, trong đó có du khách nước ngoài.
Trước đó, UBND quận Tây Hồ cùng Sở GTVT đã thiết lập hồ sơ, quy trình cưỡng chế hành chính để tổ chức thực hiện tháo dỡ, di dời triệt để theo chỉ đạo của UBND TP trong quý I/2023. Chi phí tổ chức thực hiện cưỡng chế tháo dỡ, di dời do doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả.
Tuy nhiên, đến nay việc di dời các con tàu này vẫn chưa hoàn thành.
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thông tin với báo chí rằnghiện chính quyền địa phương đang vướng mắc giữa việc tháo dỡ hay phá dỡ các tàu còn lại, bởi tháo dỡ thì không được vì không có đường nào chở được, còn phá dỡ thì có thể sẽ vướng kiện cáo từ các doanh nghiệp sở hữu.
Hiện các doanh nghiệp sở hữu tàu đòi đền bù nhưng không có cơ sở đền bù, doanh nghiệp không chịu thì chắc chắn sẽ phải cưỡng chế trong quý II/2023.
Hàng ngày, người dân đi qua khu vực này đều băn khoăn về số phận các chiếc tàu chiếm một phần diện tích của hồ Tây, gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường.
Theo thông báo của UBND quận Tây Hồ, những du thuyền bị bỏ hoang nhiều năm này của Công ty cổ phần Sông Potomac (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) và Công ty cổ phần Nhà nổi hồ Tây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).
Bình luận (0)