Tính đến tháng 12-2022, TP HCM có 79 vị trí thi công có rào chắn trên 51 tuyến đường. Theo đó, năm 2022 cho thấy số lượng rào chắn tại TP HCM có giảm so với những năm trước nhưng một số công trình có rào chắn nhếch nhác, vi phạm quy định an toàn thi công, gây bức xúc cho người dân.
Với việc thi công dang dở, trễ tiến độ, nhiều công trình bị cảnh báo tiếp tục kéo dài, gây khó khăn đi lại cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Đường Lương Định Của, đoạn gần ngã tư giao với đường Trần Não (TP Thủ Đức), bề ngang chừng 8 m, có hơn 100 m rào chắn. Vào giờ cao điểm, xe máy, ôtô và xe tải xếp hàng dài "chôn chân" ở đoạn có "lô cốt". Đây là đoạn đường nằm trong dự án nâng cấp đường Lương Định Của, có tổng mức đầu tư 826 tỉ đồng. Công trình được khởi công vào năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Thế nhưng, gần 7 năm, trong khi mặt đường nhiều chỗ đã xuống cấp thì dự án vẫn còn dang dở.
Cũng tại TP Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân đoạn gần ngã ba Chương Dương, một dãy hàng rào tôn quây vòng giữa đường, bên trong ngổn ngang vật liệu xây dựng, lòng đường mỗi bên chỉ còn khoảng 2,5 m.
"Lô cốt "trên thuộc dự án thay thế cống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5 km, với tổng vốn hơn 248 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Vinh.
Khởi công từ tháng 10-2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng nhưng do thi công ẩu, mới đây nhà thầu thi công dự án bị Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM tước giấy phép thi công trong 2 tháng.
Trong khi đó, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), trưa 14-12 xảy ra va chạm giao thông. Theo đó, một phụ nữ điều khiển xe máy chở rau củ trên đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng từ cầu Rạch Bàng 2 đi cầu Rạch Đĩa 2. Khi đến đoạn thuộc dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ thì xe này bất ngờ va chạm với một xe máy khác đang lưu thông cùng chiều. Hậu quả, người phụ nữ ngã xuống đường, bị thương.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là vì người phụ nữ trong lúc di chuyển qua giao lộ, mặt đường xấu do ảnh hưởng bởi công trình và bị quây vòng giữa các phương tiện dẫn đến loạng choạng, mất lái. Theo người dân, đây là chuyện diễn ra hằng ngày.
Công trình có tổng vốn hơn 830 tỉ đồng (giai đoạn 1) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP) làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 4-2020 , dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Nhưng đến tháng 10-2022, toàn dự án chỉ đạt hơn 35% khối lượng. Trước đó, tháng 9-2022, dự án này bị đình chỉ vì đơn vị thi công gây hư hỏng mặt đường nhưng chậm khắc phục.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở công trình lắp đặt tuyến ống cấp 1 đường Xuyên Á - Tô Ngọc Vân (từ đường Lê Văn Khương, quận 12 đến đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức).
Đoạn Quốc lộ 1 từ phường Thạnh Lộc (quận 12) đến chân cầu Bình Phước (TP Thủ Đức) có 4 rào chắn dựng lên khá sơ sài, đất đá vương vãi, một số bảng thi công công trình rách nát. Đây là dự án do Ban Quản lý dự án 1 thuộc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn -TNHH MTV làm chủ đầu tư. Hồi tháng 8, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh công tác tổ chức thi công công trình này.
Bình luận (0)