Ngày 12-7, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã thông tin chính thức về việc tiếp nhận thành công chuyến tàu đầu tiên nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) về Việt Nam. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của ngành công nghiệp khí tại Việt Nam, một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước.
Con tàu đầu tiên chở LNG mang tên Maran Gas Achilles, trọng tải tới 100.000 DWT đã cập tại kho cảng của PV Gas thuộc Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) vào ngày 10-7.
Với khối lượng gần 70.000 tấn LNG được nhập từ cảng Bontang (Indonesia), tàu Maran Gas Achilles cập cầu cảng PV GAS để cung cấp toàn bộ lượng LNG cho quá trình chạy thử và vận hành chính thức kho LNG Thị Vải.
PV GAS cho biết để đảm bảo công tác tiếp nhận tàu an toàn, đơn vị chủ trì đã phối hợp chặt chẽ cùng các bên liên quan để xây dựng phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu.
Khi cập thành công vào cầu cảng của PV GAS, LNG từ tàu Maran Gas Aschilles được bơm vào bồn chứa dung tích 180.000 m3. Từ bồn chứa, dòng khí tái hóa đi qua hệ thống đo đếm thương mại để cấp cho các "địa chỉ" đang cần nguồn năng lượng quý báu.
Một phần khí được cung cấp vào trạm thấp áp để giảm áp suất và cung cấp cho các khách hàng tiêu thụ khí áp suất thấp tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3.
LNG (Liquefied Natural Gas - LNG) là khí thiên nhiên hóa lỏng có thành phần chủ yếu là CH4 - methane, trong suốt, không màu, không mùi, được sản xuất bằng cách làm lạnh sâu ở nhiệt độ khoảng -162°C để chuyển sang thể lỏng. Ở trạng thái lỏng, thể tích của LNG giảm khoảng 600 lần so với trạng thái khí, do đó dễ vận chuyển hơn.
Đây được coi là nhiên liệu hóa thạch thân thiện hơn với môi trường vì phát thải CO2 thấp nhất tính trên cùng một đơn vị năng lượng và thích hợp để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện công nghệ tua bin khí hỗn hợp.
Bên cạnh việc nhập khẩu LNG để bổ sung cho nguồn khí nội địa bị thiếu hụt, PV GAS cho biết sẽ đẩy mạnh cung cấp LNG nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện mới và sản xuất công nghiệp trong tương lai.
Bình luận (0)