Chiều 19-1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị về công tác quản lý, sử dụng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Hội nghị đã chỉ ra những bất cập, tồn tại và đưa ra các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả rừng, đất rừng.
Hàng trăm cán bộ vi phạm
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, dù công tác quản lý đất đai trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng quá trình tổ chức triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc quản lý, sử dụng đất đai có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo; công tác quản lý đất đai trên địa bàn chưa chặt chẽ, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp; bộ máy quản lý đất đai chưa tương xứng, lực lượng quá mỏng, trình độ nghiệp vụ còn hạn chế, không kịp thời phát hiện những vi phạm...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nhận định nhà nước muốn giữ hết rừng nhưng lại không có nguồn lực để thực hiện. Giao rừng cho doanh nghiệp nhưng chính sách hỗ trợ không thỏa đáng. Hiện có hàng trăm ngàn hecta đất lâm nghiệp không đáp ứng được hiệu quả kinh tế - xã hội. Hơn 20.000 người dân sống rải rác trong rừng khiến công tác bảo vệ rừng thêm khó khăn. "Chúng ta nên giao cho doanh nghiệp bảo vệ rừng kèm theo cho họ chuyển đổi một diện tích rừng nhất định để phát triển kinh tế" - ông Dương đề xuất.
Còn theo ông Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đất đai đang là vấn đề nóng của tỉnh. Hiện nhiều doanh nghiệp được giao đất, giao rừng đã trả về cho địa phương vì không quản lý được, đất bị chiếm hết. Trong khi đó, tình trạng cán bộ vi phạm xảy ra nhiều, sắp tới, tỉnh sẽ xử lý kỷ luật hơn 300 cán bộ liên quan đến việc cấp đất rừng trái quy định.
Cần chính sách để người dân tham gia
Tương tự, nhiều đại biểu cũng chỉ ra hàng loạt khó khăn từ cơ chế, hạn chế trong việc quản lý điều hành để xảy ra tình trạng rừng bị tàn phá, đất bị lấn chiếm. Nếu thu hồi hàng chục ngàn hecta đất bị lấn chiếm để phát triển rừng thì không có tiền để hỗ trợ tài sản trên đất, hỗ trợ tái định cư cho người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết những năm qua, có nhiều chính sách trong việc quản lý đất đai tại Tây Nguyên nhưng chưa tính toán đến đặc thù của vùng là vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vừa phát triển, bảo vệ rừng. Trong khi đó, việc bảo vệ rừng ở đây cũng khó khăn hơn so với vùng khác vì đất đai màu mỡ. Việc bảo vệ rừng Tây Nguyên, theo đánh giá của bộ trưởng, không chỉ để phục vụ cho khu vực mà còn bảo vệ môi trường sinh thái cho miền Trung và cả nước.
Từ đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định phải có cơ chế chính sách riêng và làm dứt điểm, dù cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp thì cũng phải giữ được rừng. Bên cạnh đó cần có chính sách để người dân cùng tham gia vào việc giữ rừng. Có như vậy rừng mới phát triển bền vững. "Trong năm 2018, chúng tôi sẽ tập trung thanh tra về công tác quản lý, trách nhiệm để tìm ra những hạn chế, kịp thời điều chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Không hỗ trợ, khó bảo vệ rừng
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị về vấn đề cổ phần các công ty lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết việc này đã giao quyền quản lý cho doanh nghiệp nhưng nếu không có cơ chế chính sách hỗ trợ thì chắc chắn sẽ không bảo vệ được rừng và đó chỉ là "bình mới rượu cũ". Đánh giá hiệu quả vấn đề chuyển đổi hàng chục ngàn hecta rừng sang trồng cây công nghiệp, Bộ trưởng cho rằng hiện bộ chưa có một đánh giá tổng thể nhưng thực tế nhiều nơi không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như mong muốn. "Rừng là tài sản quốc gia. Việc cán bộ buông lỏng quản lý để mất rừng thì phải xử lý nghiêm tùy theo mức độ" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bình luận (0)