Sáng 26-7, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Kiến nghị mở tiêm vắc-xin dịch vụ
Phát biểu trước QH, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nguy hiểm nên chúng ta buộc phải thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa. Đây là điều cần thiết nhưng chỉ mang giải pháp tạm thời.
"Tôi nghĩ rằng có thể sống thích nghi được với Covid này chỉ có vắc-xin. Nhưng chúng ta cứ chờ đợi nguồn vắc-xin từ bên ngoài, trong khi hiện nay trên thế giới số ca lây nhiễm tăng nhanh và họ đang tính đến là phải tiêm mũi thứ 3. Nếu tiêm thêm mũi thứ 3 thì lượng cung ứng vắc-xin sẽ càng khó khăn khi chúng ta có tới 98 triệu dân. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải nhanh hơn, làm sao tự chủ được vắc-xin Việt Nam" - ông Ngân nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại hội trường Quốc hội Ảnh: DOÃN TẤN
Nhắc đến 2 sản phẩm vắc-xin trong nước đang được nghiên cứu, thử nghiệm là Nanocovax và Covivac, ĐB Ngân cho biết rất mừng vì đã có những kết quả thành công. Ông đề nghị nếu chúng ta thấy rằng đây là vắc-xin an toàn, chúng ta có thể bỏ qua một số công đoạn để triển khai vắc-xin Việt Nam. Như vậy chúng ta sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó có thể quan tâm thêm loại hình tiêm dịch vụ vắc-xin. Nên mở rộng thêm một kênh nữa để người dân có điều kiện tiếp cận các nguồn lực vắc-xin này.
Bắt đầu từ giáo dục
Thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng những lãng phí mà hiện nay cử tri và nhân dân bức xúc là lãng phí trong việc đầu tư công, trong việc thực hiện các dự án đầu tư. Theo ĐB, nếu thực hiện giải ngân đầu tư công chậm, đây sẽ là một việc gây lãng phí khi chúng ta đã huy động tiền vốn. Chúng ta đã phải trả lãi tiền vốn đó nhưng vốn đấy cứ để trong kho bạc, ngân hàng, không giải ngân được, không đưa vào công trình.
Đặc biệt, cử tri và nhân dân đang bức xúc chuyện chúng ta để lãng phí khi tài sản nằm ở các doanh nghiệp nhà nước không có hiệu quả, những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, điển hình như 12 đại dự án thua lỗ. "Khi chúng ta không xử lý được và cứ để ở đó thì hằng năm tiếp tục lỗ thêm, tài sản tiếp tục hư hỏng. Đó sẽ là một lãng phí vô cùng lớn của xã hội. Chúng ta phải có các giải pháp mạnh để dứt điểm những việc lãng phí những nguồn lực rất lớn này" - ĐB Hoàng Văn Cường bày tỏ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh tiết kiệm, chống lãng phí muốn thực chất thì phải bền vững, phải lâu dài, mọi nơi, mọi lúc, mọi việc. Muốn tiết kiệm, chống lãng phí thì tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một thói quen, một nếp sống của từng cá nhân trước khi nó là một yêu cầu đối với một cán bộ, công chức ở một cơ quan.
Để tiết kiệm, chống lãng phí trở thành quốc sách, ông Nghĩa cho rằng chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục. Theo ông, không phải ngẫu nhiên Bác Hồ thường dẫn chứng một chân lý là "vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích 100 năm thì phải trồng người". Nghĩa là có những điều chúng ta muốn có dài hạn, lâu dài thì chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục, giáo dục phải bắt đầu ngay từ mầm non, mẫu giáo.
Hôm nay (27-7), QH thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025….
Càng giàu, người ta càng tiết kiệm
Ông Trương Trọng Nghĩa nói ông đã có dịp sống, học tập hay làm việc ở những quốc gia khác, có những quốc gia phát triển nhất. Càng giàu thì người ta lại càng tiết kiệm, càng chống lãng phí. Chống lãng phí trở thành một đặc trưng của một quốc gia, dân tộc văn minh và phát triển. Tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một yêu cầu, một thói quen từ trẻ em ở các nhà trẻ, mẫu giáo và trong gia đình. Khi tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một đức tính như vậy thì họ tiết kiệm và chống lãng phí không nhất thiết đó là của mình hay là của ai. "Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một quốc sách song nên bắt đầu từ giáo dục" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Bình luận (0)