Sáng 28-8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV nhằm thảo luận một số dự án luật trình QH tại kỳ họp thứ 6 chính thức khai mạc.
Đổi thành thẻ căn cước không gây tốn kém?
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết hiện còn 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước; ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với ý kiến thứ nhất.
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (điều 19 dự thảo Luật Chính phủ trình), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết tên gọi của thẻ căn cước cũng còn 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất đồng ý với tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình; ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên tên thẻ căn cước công dân như luật hiện hành. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.
ĐB Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đồng tình phương án giữ nguyên tên gọi là Luật Căn cước công dân. Theo ông Hạ, luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ "công dân". Chính vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu kỹ tên gọi của luật và tên thẻ để có quy định phù hợp, đồng bộ, toàn diện.
Trong khi đó, các ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương), Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp), Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đồng thuận với phương án đổi tên gọi thành Luật Căn Cước.
Trước ý kiến cho rằng việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ. Mặt khác, phạm vi điều chỉnh của thẻ căn cước cũng bao quát được đối tượng áp dụng của luật, gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa được xác định quốc tịch.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo cho rằng thông tin sinh trắc học gồm vân tay, ADN... là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân
Bổ sung quá nhiều trường thông tin
Liên quan nội dung cụ thể tại điều 9 quy định về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và điều 15 quy định về thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước, ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) đề nghị cần cân nhắc việc bổ sung quá nhiều thông tin vào dữ liệu căn cước, trong đó có cả thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói... "Đây là những thông tin có tính bảo mật cao nhất của công dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng" - ông Tạo nêu ý kiến.
Theo ĐB tỉnh Lâm Đồng, quy định "ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ" là không rõ ràng. Pháp luật về xử lý hành chính, tố tụng hình sự cũng chưa có quy định về việc thu thập ADN. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ trong dự thảo những loại thông tin người dân tự nguyện cung cấp và những thông tin bắt buộc phải thu thập để thống nhất với quy định hiện hành.
Về vấn đề bảo mật, ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng đây là vấn đề đời tư và bất khả xâm phạm, do vậy đề nghị quy định những thông tin, điều khoản trong dự thảo luật cần phải phù hợp với yêu cầu quản lý và vẫn bảo đảm đời tư, quyền con người, quyền công dân (vì hiện nay trong thực tế vẫn còn hiện tượng lộ, lọt thông tin cá nhân).
ĐB Phạm Văn Hòa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung ADN, nhóm máu vào dữ liệu căn cước vì các thông tin này cần xét nghiệm mới có kết quả. "Chỉ nên bắt buộc cung cấp các thông tin thật cần thiết và linh động với dữ liệu khó thu thập" - ông Hòa nói.
Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Lê Tấn Tới khẳng định việc thu thập, cập nhật thông tin về ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với những người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. "Những thông tin này được lấy thông qua hoạt động tố tụng hoặc xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý căn cước không thu thập trực tiếp từ người dân".
Trước những lo ngại về an ninh thông tin khi cơ sở dữ liệu căn cước đều là bí mật đời tư, ông Lê Tấn Tới cho rằng mặc dù có thể còn nguy cơ nhất định nhưng hệ thống thông tin, tài liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kiểm soát an ninh mạng tốt nhất, được bảo vệ ở mức cao nhất, hạn chế thấp nhất rủi ro và sự cố ngoài ý muốn.
Băn khoăn nguồn chi lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở
Nêu ý kiến thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, ĐB Phạm Văn Hòa băn khoăn về chế độ chi cho lực lượng này.
Dù dự thảo luật không quy định cụ thể mức bồi dưỡng là bao nhiêu nhưng ĐB Hòa cho rằng thấp nhất cũng phải bằng mức lương cơ sở, nghĩa là khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng. Với 100.000 tổ, trung bình mỗi tổ 3 người, cả nước có 300.000 người. Với mức bồi dưỡng 1,8 triệu đồng/tháng thì phải chi 540 tỉ đồng mỗi tháng, chia đều cả nước, mỗi tỉnh, thành là 8,4 tỉ đồng. Đây là khoản chi khá lớn.
Bình luận (0)