Thông tin này được nêu tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi ngày 1-8 do Đại học Luật Hà Nội và TP Hà Nội tổ chức. Tại hội thảo, một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là xây dựng cơ chế để phát triển và quản lý các đô thị vệ tinh (TP phía Bắc sông Hồng và TP khu vực Hoà Lạc) của TP Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo sáng ngày 1-8.
Dự thảo luật nêu ra các chính sách phát triển đô thị thuộc Thủ đô như: Lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để thực hiện dự án trọng điểm; thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để người dân, doanh nghiệp có đất bị thu hồi được bảo đảm về việc làm, có điều kiện sống tốt hơn, hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với các khu đô thị mới…
Về vấn đề trên, TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội, cho rằng bản chất của đô thị vệ tinh là nhằm giảm tải và hỗ trợ cho đô thị lõi. Từ đó, đặt ra một vấn đề đối với Hà Nội phải có quy hoạch tổng thể và phát triển hệ thống giao thông công cộng để đảm bảo tính độc lập nhưng vẫn có sự kết nối của đô thị vệ tinh với đô thị lõi.
Theo đó, trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và trong dự thảo luật Thủ đô sửa đổi có đề cập đến đô thị vệ tinh của Thủ đô. Cụ thể, hướng của Hà Nội là phát triển 2 thành phố phía Bắc (Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với tính chất là đô thị dịch vụ và hợp tác quốc tế) và thành phố phía tây (khu Xuân Mai - Hòa Lạc) với tính chất và chức năng đô thị khoa học - công nghệ và phát triển giáo dục - đào tạo.
Ông Hùng cho rằng hướng phát triển 2 đô thị trên là để giảm tải cho các quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa). Do vậy, quy định trong dự thảo luật, 2 đô thị này vẫn khoác "áo đồng phục" như các quận các của TP Hà Nội.
"Quy định như dự thảo cho thấy thành phố mới vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện. Thành phố phía Bắc và phía Tây của Thủ đô với tính chất là đô thị vệ tinh nên cần có quy định vượt trội so với đơn vị hành chính khác" - TS Chu Mạnh Hùng nói.
TS Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Luật Hà Nội phát biểu.
Ngoài ra, ông Chu Mạnh Hùng còn lo ngại nếu các chính sách không coi đô thị vệ tinh này là sự hỗ trợ, giảm tải cho đô thị lõi thì không khéo sẽ lặp lại câu chuyện quá tải dân số và hạ tầng xã hội ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) hay trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (Transit Oriented Development) dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất cũng là điểm đột phá. Song, cũng cần phải có sự phân biệt về khoảng cách với đô thị trung tâm Hà Nội và các đô thị khác như lý thuyết khuếch tán được áp dụng ở các thành phố lớn trên thế giới nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác; xử lý tốt mối quan hệ “trục dọc, trục ngang” để các thành phố thuộc TP Hà Nội không rơi vào tình trạng đô thị vệ tinh là sự mở rộng của đô thị trung tâm như trường hợp của TP Thủ Đức (TP HCM).
PGS-TS Phạm Trọng Thuật, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để xây dựng, quy hoạch thực sự là điểm nhấn trong phát triển bền vững cần bổ sung thêm các quy định nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng tham gia góp ý kiến, giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; quan tâm cải tạo, nâng cấp các khu tập thể cũ mà không làm tăng mật độ dân số.
Cùng chung quan điểm, PGS-TS Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) phải bổ sung các điều khoản có tính pháp lý, tạo nền tảng, tính đặc thù vượt trội cho giai đoạn sau, thu hút tinh thần và lực lượng của toàn xã hội, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của một quốc gia 100 triệu dân, thành phố sáng tạo, hòa bình của thế giới, đặc biệt là hỗ trợ cho việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với UBND TP thuộc thủ đô cần tăng cường quyền hạn, nhiệm vụ cho cơ quan này với những thẩm quyền tương đương cấp sở thuộc thủ đô. Tăng thẩm quyền cho UBND và chủ tịch UBND thành phố trực thuộc như: Trao thêm quyền trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đầu tư công; trao quyền chủ động quyết định các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị; phòng, chống kẹt xe, ngập nước… để có đủ công cụ pháp lý thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình…
Bình luận (0)