Ngày 14-12, tại TP HCM đã diễn ra 2 hội thảo về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố. Đó là hội thảo "Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TP HCM" do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cùng Trường ĐH Văn hóa thành phố tổ chức và hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM" do Trường ĐH Luật thành phố tổ chức.
Còn lòng vòng
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Hội Quy hoạch phát triển TP HCM, nhận xét điểm khó nhất của việc tổ chức chính quyền đô thị cũng như thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại TP HCM chính là vấn đề phân quyền. "Vấn đề này trong tổ chức chính quyền đô thị là một trong những chủ đề rộng và khó" - ông Hòa nhìn nhận.
Một góc nhìn mới về xây dựng chính quyền đô thị ở TP HCM được nhiều chuyên gia đề cập là văn hóa trong thực hiện chính quyền đô thị. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo ông Hòa, Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM là một trong những minh chứng cụ thể nhất cho vấn đề phân cấp, ủy quyền được áp dụng ở nước ta. Nghị quyết này đã mở ra cho TP HCM quyền tự quyết trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, phí, lệ phí, tài chính và thu nhập tăng thêm. Tuy nhiên, ông Hòa đánh giá nghị quyết này mang lại kết quả chưa cao, chưa như kỳ vọng. Một trong những lý do chính là dù đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng quy trình ra quyết định vẫn không thay đổi. Dẫn chứng, ông Hòa nói dù có Nghị quyết 54, TP HCM muốn thu phí cảng biển, thu phí ôtô vào khu vực trung tâm thì phải lập đề án trình nhiều bộ, ngành liên quan. Chỉ cần một bộ không đồng ý thì sẽ bị bác bỏ hoặc đi lòng vòng cả năm mới đến đích. Chính sự lòng vòng này đã dẫn đến mất cơ hội, chậm tiến độ, phát sinh thêm những hệ quả không lường được ở nhiều dự án.
Về giải pháp, theo ông Hòa, các bộ, ngành trung ương chỉ làm công việc quản lý nhà nước, tức là xây dựng văn bản dưới luật, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, giám sát thực hiện; còn công tác quản lý cấp địa phương sẽ do chính các địa phương chịu trách nhiệm và chủ động thực hiện. Ông Hòa cho rằng cần tính toán đến một Chính phủ kiến tạo, địa phương hành động, tức là Nhà nước, Chính phủ lập hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, công cụ kiểm soát, còn lại phân quyền cho các tỉnh, thành thực hiện.
Cần cơ chế phân quyền mạnh hơn cho TP HCM cũng là quan điểm của TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP HCM. Theo bà Trí, một đô thị muốn vận hành, quản lý chỉn chu, đứng vững thì phải có thẩm quyền riêng nhưng thành phố nhiều năm qua vẫn "dò đường", đi đến đâu tính đến đó. "TP HCM không chỉ nghẽn về cơ chế quản lý mà còn nghẽn trong tầm nhìn về chính sách" - bà nói và nêu quan điểm trung ương nên "buông" những thẩm quyền mà chính quyền đô thị có thể tự quyết.
Gìn giữ nền tảng văn hóa
Một góc nhìn mới về xây dựng chính quyền đô thị ở thành phố cũng được nhiều đại biểu đề cập, đó là văn hóa trong thực hiện chính quyền đô thị.
PGS-TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP HCM, cho rằng việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị hay chính quyền nông thôn đều cần dựa trên những nền tảng văn hóa vốn có. Đối với TP HCM, văn hóa của địa phương có nhiều điểm chung so với cả nước nhưng cũng có nhiều giá trị riêng biệt do đặc trưng lịch sử qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Ông Nhân nhìn nhận khi nhắc đến tính cách người Nam Bộ, người ta thường nói đến đặc trưng trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, bộc trực, năng động, sáng tạo… Trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị, TP HCM cần xác định lại các chuẩn mực cá nhân con người nơi đây, dựa trên cơ sở những giá trị truyền thống và các giá trị mới.
Trong khi đó, theo bà Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hóa thành phố, những đặc điểm về kinh tế - xã hội, dân cư của TP HCM đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng chính quyền đô thị. Chính vì vậy, việc phát huy các giá trị truyền thống đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Bà cho rằng để truyền tải những giá trị truyền thống đến các cộng đồng dân cư, tạo sự đoàn kết và thống nhất, các ban, ngành và chính quyền thành phố cần xây dựng chiến lược và những kế hoạch truyền thông cụ thể. Quản lý truyền thông cũng là một khía cạnh của công tác phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị thành công.
Tăng cường giám sát
TS Dũng Thị Mỹ Thẩm, Trường ĐH Luật TP HCM, nói theo mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM thì ở quận, phường không có HĐND, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền đại diện của người dân. Vì vậy, pháp luật và chủ thể có thẩm quyền cần quan tâm đúng mức và sử dụng có hiệu quả các cách thức tiếp nhận, tiếp xúc, tiếp thu, ghi nhận và xử lý các ý kiến của người dân thông qua MTTQ, các đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố... Nếu thực hiện không tốt, không hiệu quả sẽ vô tình ảnh hưởng đến quyền dân chủ, đại diện của nhân dân. Ngoài ra, với cơ chế thủ trưởng thì cần phải tăng cường sự giám sát của nhân dân để tránh sự lạm quyền của các chủ thể có thẩm quyền.
Bình luận (0)