Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP Cần Thơ, tính đến ngày 4-10, toàn thành phố đã hỗ trợ cho 3.668 người sử dụng lao động, 133.681 lượt người với kinh phí trên 171,4 tỉ đồng (đạt 70,55% so với số lượng được phê duyệt).
Còn chậm
Ông Đỗ Văn Nhạn (65 tuổi; ngụ khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng) cho biết ông làm nghề phụ hồ, là lao động chính trong gia đình. Trong những tháng dịch Covid-19 bùng phát, ông phải nghỉ làm nên cuộc sống gia đình rất chật vật.
Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tặng quà cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
"Tôi rất mừng khi mới đây được phường hỗ trợ 2 triệu đồng. Cảm ơn nhà nước đã quan tâm tới lực lượng lao động tự do như chúng tôi. Với số tiền này, tôi đã mua gạo, thức ăn cho gia đình. Cần Thơ đã áp dụng Chỉ thị 15, vài ngày nữa tôi có thể đi làm lại" - ông Nhạn vui mừng nói.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng 9 (diễn ra ngày 1-10), ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng đến nay công tác triển khai Nghị quyết 68 và Nghị quyết 52 của HĐND thành phố còn chậm, mới có một vài đối tượng triển khai 100%, các đối tượng còn lại chỉ triển khai được 30%-40%.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Minh Trí, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB-XH, lý giải UBND thành phố và sở đã có văn bản chấn chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ đến các đối tượng. Có một số lý do khách quan dẫn đến việc chi hỗ trợ cho một số đối tượng còn chậm như thời gian vừa qua, TP Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên người dân không được đi ra ngoài làm thủ tục.
"Chính sách đối với người F0, F1 do tính chất đột xuất yêu cầu nộp hồ sơ trong thời gian nhanh nhất có thể nhưng do giãn cách, họ không làm được giấy tờ liên quan. Hiện Cần Thơ đã thực hiện Chỉ thị 15 nên việc đi lại dễ hơn, việc chi hỗ trợ cho các đối tượng sẽ được thuận lợi" - ông Trí nói thêm.
Huy động mọi nguồn lực
Nhằm góp phần chung tay chăm lo cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, TP Cần Thơ đã huy động sự tham gia của Ủy ban MTTQ các cấp, tổ chức tôn giáo, Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... Các tổ chức này đã thực hiện nhiều mô hình như: "Chợ 0 đồng", "Bếp yêu thương", "Chuyến xe yêu thương, chuyến xe dân vận", "ATM gạo"... để san sẻ với người nghèo, cùng nhau vượt qua đại dịch.
Theo thượng úy Nguyễn Tứ Thiên, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Cần Thơ, lực lượng đoàn thanh niên công an đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, trọng tâm là các điểm cách ly, khu phong tỏa và người dân gặp khó khăn.
"Ngoài các hoạt động trên, tuổi trẻ Công an thành phố đã phát miễn phí khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, áo phao, nhu yếu phẩm cần thiết... cho lực lượng chống dịch và người dân; hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tặng trứng, gạo, nước tương, mì ăn liền cho các điểm "Chợ 0 đồng", "Chương trình chia sẻ yêu thương", hỗ trợ xăng cho "đội shipper tình nguyện" vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết đến các chốt kiểm soát, khu phong tỏa" - anh Thiên cho biết.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ, thông tin trong thời gian diễn ra dịch bệnh, hội đã vận động các nguồn lực được khoảng 6,1 tỉ đồng, tặng hơn 800 phần quà để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trong khu phong tỏa.
"Những hội viên có nhà trọ cho thuê đã miễn, giảm cho người thuê trên 1 tỉ đồng. Ngoài ra, Hội CCB các cấp có 135 nhóm Zalo tuyên truyền nắm thông tin phòng chống dịch để phổ biến lại cho người dân. Những việc làm này nhằm góp phần chung tay cùng thành phố lo cho người dân và thực hiện tốt phòng chống dịch, sớm đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới" - Chủ tịch Hội CCB nói.
Bình luận (0)