xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần ứng xử đặc biệt với Quốc ca

Yến Anh - HỮU DŨNG

Theo điều 13 Hiến pháp năm 2013: "Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca". Đây là một tác phẩm âm nhạc đặc biệt, do đó cần được ứng xử một cách đặc biệt

Suốt 2 ngày nay, trên các mạng xã hội, người dùng bày tỏ phẫn nộ khi Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong lễ chào cờ trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tại vòng bảng AFF Cup 2020 trên kênh YouTube vì lý do bản quyền.

Tổn thương lòng tự hào dân tộc

Trước đó, tối 6-12, tại phần nghi thức chào cờ trước trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào, khi bản Quốc ca Việt Nam vang lên thì trên một số kênh YouTube do Next Sports tiếp sóng bị ngắt âm thanh, kèm lời xin lỗi của đơn vị này: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Cách đây không lâu, BH Media từng bị VTV "tố" là "nhận vơ và trục lợi bản quyền các tác phẩm trên nền tảng số, nhận vơ bản quyền Quốc ca". Vì thế, nhiều bình luận giận dữ, đổ lỗi cho BH Media "đánh gậy bản quyền" trên YouTube với ca khúc "Tiến quân ca". Điều này làm tổn thương lòng tự hào dân tộc, không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện BH Media khẳng định trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào "đánh bản quyền" ca khúc "Tiến quân ca", mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng - Next Sports - tự tắt tiếng để đề phòng. Trên thực tế, video những trận đấu của các quốc gia khác trên kênh YouTube của Next Media cũng bị tắt tiếng để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc.

Cũng theo đại diện BH Media, trước đó, trong trận Việt Nam - Ả Rập Saudi tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 diễn ra tối 16-11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã mất doanh thu vì lý do trận đấu dùng bản ghi "Tiến quân ca" do hãng Marco Polo sản xuất. "Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Việc ban tổ chức (BTC) sân sử dụng bản ghi "Tiến quân ca" của hãng nước ngoài mà không xin phép đã khiến các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng bị mất doanh thu" - đại diện BH Media chia sẻ.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Đây là cơ sở mà theo đại diện BH Media, hiện có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi "Tiến quân ca", cả trong và ngoài nước.

Liên quan vụ việc trên, trong ngày 7-12, LĐBĐ Việt Nam đã gửi BTC AFF Cup bản thu âm mới Quốc ca Việt Nam. Như vậy, các trận đấu tiếp theo của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup sẽ được bật âm thanh Quốc ca Việt Nam, thay vì bị ngắt âm thanh như trong trận đấu với Lào vừa rồi.

Theo ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký LĐBĐ Việt Nam, bản thu âm mới được sử dụng trong các nghi lễ quốc gia của Việt Nam. Dù vậy, dư luận cũng đặt ra nhiều băn khoăn vì chưa rõ bản ghi mới này do ai sản xuất và có được cho phép phát trên các nền tảng, trong đó có kênh YouTube, hay không!

Cần ứng xử đặc biệt với Quốc ca - Ảnh 1.

Tiếng Quốc ca Việt Nam bị tắt trên kênh YouTube phát sóng trận Việt Nam - Lào tối 6-12, kèm dòng xin lỗi của Next Media. (Ảnh chụp màn hình)

Phải tuân thủ luật và cần bản ghi âm, dàn dựng chuẩn

Sáng 7-12, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã làm việc với các cơ quan liên quan về những rắc rối xung quanh bản quyền Quốc ca. Bộ VH-TT-DL khẳng định ca khúc "Tiến quân ca" là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VH-TT-DL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ, phát huy giá trị của Quốc ca.

Bộ VH-TT-DL yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. "Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật" - Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh quan điểm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trịnh Đức Tiến, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ (TP Hà Nội), cho rằng Quốc ca dù được gia đình nhạc sĩ Văn Cao từ bỏ quyền tài sản nhưng người biểu diễn, nhà sản xuất vẫn có quyền liên quan và pháp luật vẫn phải bảo vệ các quyền này. Rõ ràng nhất là biện pháp chặn tiếng khi bản ghi âm được sử dụng trái phép.

Luật sư Tiến cho rằng bản quyền âm nhạc trên môi trường số ngày càng chặt chẽ, do đó tất cả các bên đều cần phải nâng cao ý thức bản quyền. "Sự việc lần này cho thấy nếu BTC sân sử dụng bản ghi âm có bản quyền thì các kênh YouTube ở Việt Nam tiếp sóng hoàn toàn có thể không cần tắt tiếng và lòng tự hào dân tộc đã không bị tổn thương" - luật sư Tiến nói.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh Quốc ca có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi quốc gia, vì thế Quốc ca cần được sử dụng theo cách đặc biệt, tránh việc tranh cãi về bản quyền như vừa qua. "Theo điều 143 Hiến pháp năm 1992 (sau này là điều 13 Hiến pháp năm 2013): "Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca". Đây là một bài hát đặc biệt, khác với tất cả các bài hát khác. Vì vậy, bài hát cần phải được ứng xử một cách đặc biệt" - PGS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng dẫn chứng điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ về quyền liên quan của cá nhân/ tổ chức ghi âm, phối khí mới và nêu quan điểm. "Không ai có thể đứng trên luật và như vậy, cần có một bản ghi chuẩn, sử dụng rộng rãi để bảo đảm mọi người dân được hưởng thụ những giá trị di sản quốc gia" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn góp ý.

Qua vụ việc này, luật sư Trịnh Đức Tiến đề xuất nhà nước, cụ thể là Bộ VH-TT-DL, nên ghi âm Quốc ca dùng chung cho các sự kiện và hoàn toàn miễn phí. "Theo tôi, Bộ VH-TT-DL nên yêu cầu nhà hát nào đó biểu diễn Quốc ca, rồi ghi âm và đăng tải trên mạng để mọi người có thể sử dụng bản ghi âm này mà không cần xin phép hay không cần trả tiền" - ông Tiến đề xuất.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam từng đưa đề xuất sản xuất các bản ghi âm Quốc ca, Quốc thiều chuẩn mực, trang trọng để người dân sử dụng miễn phí. Kế hoạch đã được đưa ra từ lâu nhưng vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Quốc ca là tài sản công hữu

Hiện nay, nhiều quốc gia quy định Quốc ca là tài sản công hữu, cho phép các nhà soạn nhạc phối lại và thu âm. Bản thu âm này khi đó sẽ được bảo vệ bản quyền.

Tại Mỹ, sau khi quốc hội tuyên bố "Star-Spangled Banner" là Quốc ca vào ngày 31-3-1931, mọi cá nhân và doanh nghiệp Mỹ được phép sử dụng ca từ và bản nhạc đi kèm của tác phẩm này mà không phải lo lắng về vấn đề bản quyền. Luật pháp Mỹ cũng cho phép mọi cá nhân sản xuất bản hát lại (cover) của ca khúc "Star-Spangled Banner" mà không cần xin phép bản quyền từ bất kỳ ai. Dù vậy, bản quyền Quốc ca vẫn là một vấn đề phức tạp tại Mỹ, bởi quyền tái sản xuất, quyền xuất bản và quyền biểu diễn vẫn được áp dụng trong một số trường hợp. Chẳng hạn, khi Quốc ca được biểu diễn hoặc thu âm trong một trận đấu được phát sóng của Giải Bóng bầu dục quốc gia Mỹ (NFL) thì bản trình diễn này sẽ thuộc bản quyền của NFL.

Tại Úc, ca từ và một số bản phối nhất định của Quốc ca do Khối thịnh vượng chung sở hữu. Điều này đồng nghĩa Khối thịnh vượng chung có quyền cho phép bên thứ ba sản xuất lại, biểu diễn hoặc truyền tải tác phẩm này đến công chúng. Trái ngược với những trường hợp sử dụng Quốc ca Úc vì mục đích phi thương mại, những cá nhân và tổ chức nhắm đến mục đích thương mại phải đăng ký và nhận được sự cho phép của Khối thịnh vượng chung, kể cả khi sử dụng một đoạn, chỉ sử dụng phần lời hoặc phần nhạc.

Còn tại Singapore, Quốc ca chỉ được hát hoặc biểu diễn ở những sự kiện phù hợp và mọi cá nhân có mặt phải đứng lên để thể hiện sự tôn trọng. Những cá nhân, tổ chức muốn biểu diễn hoặc hát Quốc ca phải hát hoặc biểu diễn theo đúng bản gốc. Mọi bản phối lại phải đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt, bao gồm phản ánh chính xác giai điệu hoàn chỉnh và lời bài hát chính thức hoàn chỉnh của tác phẩm.

Cao Lực

Họa sĩ Văn Thao: Phải do nhà nước phối khí, dàn dựng

Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, cho biết gia đình ông rất buồn và bức xúc vì sự việc này. Theo họa sĩ Văn Thao, theo di nguyện của cố nhạc sĩ Văn Cao, gia đình ông đã hiến bản "Tiến quân ca" cho nhà nước, nhân dân nên ai cũng có thể sử dụng bài Quốc ca này mà không cần thu bản quyền.

"Những chuyện liên quan đến bản quyền, về pháp luật, nhà nước phải đứng ra để làm cho rõ. Quốc ca phải thống nhất một bản ghi âm do nhà nước phối khí, dàn dựng và chuyển giao một cách hợp pháp" - họa sĩ Văn Thao nói.

L.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo