Ngày 30-4, nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động cho biết tại đại hội cổ đông mới đây, các cổ đông QNP đã bầu ra ban HĐQT mới, nhiệm kỳ 2018-2023, gồm 5 thành viên. Trong đó, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước, tái đắc cử chức danh chủ tịch HĐQT; 4 thành viên HĐQT còn lại là những người mới toanh, gồm ông Nguyễn Kim Cương, Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Văn Phi và Nguyễn Thế Tâm. Trong số 4 thành viên HĐQT mới, có 2 người ở TP Hà Nội và 2 người ở TP HCM.
Danh sách thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát mới của QNP
Trước đó, thành viên HĐQT của QNP gồm có 4 người, trong đó ông Lê Hồng Thái làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ba thành viên HĐQT còn lại gồm bà Trần Thị Quỳnh Yên, bà Nguyễn Thị Nghiệp và ông Trình Văn Nhất. Ngày 13-4, QNP cũng đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc thường trực của công ty này.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về cảng biển của Nhà nước đang đàm phán mua lại 51% vốn điều lệ QNP của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành. Việc thương lượng để chuyển nhượng phần vốn này đã được triển khai từ nhiều tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả chính thức.
Như đã thông tin, tại buổi làm việc đầu năm 2018 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã đề nghị Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành làm sao để QNP trở lại là cảng của Nhà nước. Theo ông Tùng, QNP có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vừa qua, việc cổ phần hóa QNP, bán cảng này cho tư nhân, cán bộ, nhân dân Bình Định rất bất bình, bức xúc.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng (bên trái) đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ (bên phải), lãnh đạo các bộ, ngành làm sao để QNP trở lại là cảng của Nhà nước
QNP được hình thành năm 1976, do Cục Đường biển (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) quản lý. Đến năm 1993, Bộ GTVT quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cảng Quy Nhơn. Năm 2009, cảng trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đổi tên là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn. Tháng 7-2013, Vinalines phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn thành QNP.
Theo Đề án tái cấu trúc Vinalines giai đoạn 2012-2015 và Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, QNP nằm trong diện Nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) phải nắm giữ 75% vốn điều lệ. Thế nhưng, tháng 6-2015, Vinalines bất ngờ chuyển nhượng đợt 2 với 10,5 triệu CP, tương đương 26,01% tỉ lệ sở hữu QNP cho Công ty Hợp Thành. Đến tháng 9-2015, Vinalines tiếp tục bán toàn bộ phần vốn còn lại trong QNP (19,8 triệu CP với tỉ lệ 49%) cho Công ty Hợp Thành, giúp doanh nghiệp này tăng tỉ lệ nắm giữ QNP lên 86,23% với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.
Cảng Quy Nhơn sau cổ phần hóa
Cho rằng vụ mua bán này có dấu hiệu làm thất thoái tài sản Nhà nước, tháng 4-2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa QNP. Sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra. Đến cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa QNP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết luận thanh tra quá trình cổ phần hóa QNP vẫn chưa được công bố chính thức.
Liên quan tới vụ việc, cuối tháng 5-2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thi hành kỷ luật đối với nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện với lý do đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về việc cổ phần hóa QNP không thuộc trách nhiệm của tỉnh, không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Bình luận (0)