Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, từ ngày 1-7, khoảng 200.000 ôtô kinh doanh vận tải - gồm xe vận tải hành khách trên 9 chỗ, xe container và xe đầu kéo - phải lắp thiết bị camera để quan sát được vị trí tài xế, khoang hành khách và vị trí lên xuống (đối với xe vận tải hành khách) phải lắp camera hành trình. Thế nhưng, việc thực hiện vẫn đang lấn cấn về thời gian áp dụng.
Còn nhiều vướng mắc
Công ty TNHH Vận tải Thành Công (TP HCM) là đơn vị có hơn 100 xe khách buộc phải gắn camera trong thời gian tới. Ông Trần Phú, tổng giám đốc công ty, cho biết hầu như chưa triển khai được gì vì không có khả năng tài chính.
Theo ông Phú, do dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, hoạt động vận tải thường xuyên "trùm mền", trong khi giá 1 camera trung bình 8-10 triệu đồng, nếu đầu tư 100 cái, công ty mất 1 tỉ đồng, chưa kể chi phí duy trì 100 camera này hoạt động mỗi năm mất 200 triệu đồng. Đó là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp (DN). "Chúng tôi đề xuất Chính phủ xem xét lùi thời gian thực hiện quy định này, giúp các DN chống chọi qua dịch bệnh" - ông Phú nói.
Những xe khách chạy tuyến cố định núp bóng “xe hợp đồng” thế này sẽ “khó sống” nếu Nghị định 10/2020 được áp dụng nghiêm và triệt để Ảnh: Ý LINH
Ông Giang Minh Tuấn, Giám đốc HTX Vận tải Đại Việt, cho biết HTX có gần 700 đầu xe, trong đó hơn 200 chiếc thuộc diện phải gắn camera giám sát nhưng chưa có phương tiện nào được lắp đặt dù thời hạn cận kề. "Khi tìm hiểu các đơn vị chuyên lắp camera thì rất ít nơi có sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy, tích hợp được dữ liệu GPS và camera nên chúng tôi rất đắn đo. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn chưa ban hành quy chuẩn cho camera, nếu lắp đặt rồi sau này bộ ban hành quy chuẩn thì DN lại phải mua loại khác, rất lãng phí" - ông Tuấn bày tỏ.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng hiệp hội đã nhìn thấy những bất cập và khó khăn khi triển khai Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021. Theo đó, hiệp hội đã kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét lùi thời gian lắp camera đến tháng 7-2023.
Theo ông Tính, quy định lắp camera trên ôtô là điều kiện kinh doanh nhưng Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định lắp camera trên ôtô kinh doanh vận tải. Chưa kể, chi phí lắp camera rất tốn kém, nếu 200.000 phương tiện phải lắp thì tốn 1.800 tỉ đồng, chưa kể chi phí duy trì đường truyền mỗi năm ngốn không ít của DN…
"Quy chuẩn camera hiện Bộ GTVT chưa ban hành, cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu hình ảnh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thiện. Cộng thêm dịch bệnh khiến nhiều DN vận tải rơi vào cảnh khốn đốn, nhất là DN du lịch gần như tê liệt. Do đó, hiệp hội tiếp tục đề nghị lùi thời hạn buộc lắp camera. Về lâu dài, Bộ GTVT cần bổ sung đầy đủ tính pháp lý, ban hành quy chuẩn camera, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu" - ông Tính đề xuất.
Vì những lý do trên, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Thủ tướng cho phép lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019 (quy định "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt") đối với các hành vi vi phạm hành chính về lắp camera quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021 đến hết ngày 31-12-2022.
Tổng cục cương quyết, sở mong xem xét
Trước những kiến nghị lùi thời hạn của DN, hiệp hội vận tải nhiều địa phương và Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản trả lời.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc lắp đặt camera sẽ giúp theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: Ngủ gật, mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác..., giúp đơn vị kinh doanh vận tải kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, ngăn ngừa tài xế vi phạm. Đồng thời, giúp cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm của tài xế và đơn vị kinh doanh vận tải, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự trong lĩnh vực vận tải ôtô.
Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bác đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 100/2019 đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021 mà Hiệp hội Vận tải Việt Nam đưa ra. Đồng thời, yêu cầu các DN vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10/2020.
Nhìn nhận quy định gắn camera đối với DN kinh doanh vận tải theo tinh thần của Nghị định 10/2020 và Thông tư 12/2021 là cần thiết, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ - Sở GTVT TP HCM, cho rằng camera hành trình sẽ giúp chủ phương tiện giám sát, nhắc nhở kịp thời tài xế khi có các hành vi như ngủ gật, nghe điện thoại lúc lái xe,... tránh các nguy cơ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Chính phủ nên xem xét lùi thời hạn áp dụng quy định trên bởi dịch bệnh kéo dài khiến nhiều DN gặp khó khăn trong kinh doanh.
Cách nào hài hòa lợi ích?
Để giải quyết hài hòa lợi ích các bên, trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận Nghị định 10/2020 không phải tự nhiên mà xuất hiện.
Nghị định này ra đời trước thực trạng liên tiếp và thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc xuất phát từ nguyên nhân tài xế các loại xe thuộc đối tượng phải gắn camera mà nghị định quy định đã bất chấp những quy định an toàn trong lái xe. Kế đến, ai cũng thấy Việt Nam là một trong số những quốc gia có số vụ tai nạn giao thông thuộc loại cao trên thế giới. Chính vì thế, các quy định nhằm giám sát, ngăn ngừa những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nhằm hạn chế số vụ tai nạn, tình trạng chèn ép và hành hung hành khách, cần được áp dụng nghiêm. Mục tiêu cuối cùng là giúp các chủ xe, tài xế và cả hành khách chấp hành nghiêm luật pháp giao thông và an toàn giao thông, để số vụ tai nạn được kéo giảm xuống mức thấp nhất.
Hãy nhớ, một khi các vụ tai nạn giao thông giảm xuống, cả tài xế và hành khách chấp hành đúng các quy định về an toàn giao thông, thì chính các chủ xe và DN vận tải được hưởng lợi chứ không phải ai khác. Bởi lẽ, chủ xe và DN sẽ hạn chế được thiệt hại về tài sản cũng như không bị gián đoạn kinh doanh vì tai nạn xảy đến. Vì vậy, việc phải nâng cao an toàn, an ninh giao thông đối với các loại phương tiện đang tạo ra mối nguy trên là lẽ đương nhiên phải làm và làm gấp. Thực tế, không phải chỉ riêng các cơ quan quản lý giao thông nhìn thấy lợi ích mang lại khi gắn camera giám sát, mà kể cả khi chưa ban hành quy định trên, đã có không ít chủ DN kinh doanh vận tải (nhất là kinh doanh vận tải bằng xe đầu kéo) đã tự trang bị camera giám sát hành trình để kịp thời chấn chỉnh tài xế hòng bảo đảm an toàn phương tiện và tài sản của DN.
Dẫn ra vậy để thấy việc gắn camera giám sát hành trình cho các loại xe trên là vô cùng cần thiết. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không phải đợi đến bây giờ mà từ lâu, không ít DN kinh doanh vận tải bằng xe khách dưới dạng chạy tuyến cố định núp bóng "xe hợp đồng"; rồi các nhà xe chạy tuyến cố định thường xuyên đón trả khách dọc hành trình,… rất sợ phải gắn camera theo dõi hành trình là chuyện không cần phải tìm hiểu sâu cũng thấy.
Tuy nhiên, trong thời điểm dịch bệnh gây ảnh hưởng đến mọi ngành nghề thì việc xem xét giãn thời gian cũng là việc cần tính đến để giảm gánh nặng cho các DN vận tải đang thực sự gặp khó. Vậy thời gian lùi đến bao giờ? Câu trả lời này không khó. Đó là lúc hoạt động vận tải trở lại bình thường, đó là lúc Bộ GTVT có quy chuẩn về camera, đó là lúc Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu hình ảnh…, chứ không nhất thiết là mốc thời gian 31-12-2022 hay tháng 7-2023 như DN và các hiệp hội kiến nghị.
Minh Anh
Bình luận (0)