Dù còn hơn 10 ngày nữa mới đến Tết Mậu Tuất 2018 nhưng hầu hết hãng xe thương hiệu ở TP HCM có tuyến về các tỉnh, thành miền Trung và khu vực Tây Nguyên đã hết vé trong những ngày cận Tết.
Điều động thêm phương tiện, thuê xe ngoài
Đơn cử, tuyến TP HCM - Quảng Ngãi, nhà xe Phương Trang cho biết chỉ còn vé những ngày trước 8-2 (23 Tết). Nhà xe Chín Nghĩa cũng thông tin hết vé xe giường nằm từ 24 tới 29 Tết, chỉ còn ghế ngồi. Tuyến từ
TP HCM về Phú Yên, một số nhà xe lớn như Phúc Thuận Thảo cũng thông báo hết vé những ngày cao điểm giáp Tết.
Theo ông Kiều Nam Thành, Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông (TP HCM), 20/28 đơn vị vận tải đã kê khai và niêm yết giá vé tại bến, với mức tăng cao nhất là 60%. Sau khi dự báo nhu cầu hành khách về quê tăng vọt trong thời gian cao điểm Tết, một số nhà xe lớn như Phương Trang, Chín Nghĩa... đã lên kế hoạch thuê xe bên ngoài, đồng thời điều động phương tiện ở một số chặng từ TP HCM về miền Tây qua các tuyến miền Đông.
Ông Thành cho biết nhằm tránh tình trạng hành khách tập trung đông có thể gây ùn ứ tại Bến xe Miền Đông những ngày cao điểm Tết, đơn vị sẽ ký hợp đồng đưa xe đến đón những người đăng ký theo dạng tập thể đi cùng tuyến đường.
Theo ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trên cơ sở đánh giá về lưu lượng xe đi lại trong dịp Tết - bao gồm xe từ
TP HCM đi các tỉnh, thành và ngược lại; xe trên tuyến cũng như giá vé của từng nhà xe... - sở đã lên kế hoạch vận chuyển hành khách, không để thiếu xe trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Sở GTVT còn lên phương án dự phòng trường hợp xe khách không kịp quay đầu về bến thì sẽ có xe buýt chở khách, bảo đảm không có người không thể về quê đón Tết.
Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT TP HCM đang phối hợp với Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan kiểm tra giá vé xe Tết tại các bến xe liên tỉnh. Ngày 31-1, đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc tại Bến xe Miền Đông. Ngoài việc giám sát giá vé, nhiều xe khách còn được kiểm tra các điều kiện an toàn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy, búa thoát hiểm, dây an toàn... Thời gian cao điểm đi lại dịp Tết, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra các phương tiện trước khi xuất bến nhằm quản lý chặt việc bảo đảm chất lượng cũng như giá vé phải đúng như niêm yết.
Vé tàu: Không nên mua qua "cò"
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết tính đến cuối tháng 1-2018 vẫn còn hơn 56.000 vé tàu Tết, chủ yếu là vé đi sau Tết, với gần 49.000 chỗ. Riêng giai đoạn trước Tết, vé chỉ còn trong ngày 29 và trước 23 với khoảng 7.600 chỗ có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa và ga đến từ Nha Trang tới Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên trên hệ thống bán vé của ngành đường sắt, hầu hết các chặng từ TP HCM về các tỉnh, thành miền Trung đều đã kín chỗ. Riêng tuyến TP HCM - Hà Nội cũng chỉ còn lác đác một số vé trong ngày 29 Tết.
Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, vé tàu Tết vẫn đang biến động do hành khách đặt chỗ nhưng chưa thanh toán tiền hoặc trả vé. Vì vậy, hành khách chưa mua được vé nên thường xuyên theo dõi website www.dsvn.vn, www.vetau.com.vn hoặc liên hệ các nhà ga để nắm thông tin đặt chỗ, mua vé.
Ông Văn khẳng định ngành đường sắt sẽ kiểm soát chặt các thông tin trên vé tàu phải đúng với người sở hữu. Vì thế, người dân không nên mua vé qua "cò" để tránh tình trạng mất tiền nhưng không được lên tàu.
Hành khách mua vé về quê đón Tết Mậu Tuất 2018 tại Bến xe Miền Đông Ảnh: GIA MINH
Hàng không: Tăng cường bay đêm
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), cho biết hiện có 50% số chỗ trên các chuyến bay Tết đã được đặt. Riêng các chuyến bay TP HCM - Hà Nội trong những ngày cận Tết, tỉ lệ đã đặt chỗ là 85%, tập trung vào các chuyến có lịch khởi hành từ 7 đến 21 giờ. VNA có kế hoạch triển khai hơn 700 chuyến bay đêm từ khung giờ từ 0 đến 5 giờ để giúp giảm tải cho khung giờ cao điểm.
Thông tin từ Jetstar Pacific (JPA) cho biết hiện nay, các chuyến bay từ TP HCM đến những sân bay địa phương như Hải Phòng, Vinh, Chu Lai, Quy Nhơn, Tuy Hòa đã bán gần hết vé. Riêng đường trục Hà Nội - Đà Nẵng - TP HCM, vé chủ yếu đã bán ở các chuyến bay giờ đẹp. Các chuyến bay khác vẫn còn chỗ nhưng số lượng khách mua vẫn đang tăng nhanh vì nhiều doanh nghiệp năm nay công bố lịch nghỉ Tết sớm.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính chung trong tháng cao điểm đi lại Tết, các hãng hàng không cung ứng trên 5 triệu ghế và đến nay đã bán, đặt chỗ khoảng 51%. Đặc điểm của bay Tết là có nhiều chuyến bay lệch đầu, VNA và Vietjet có khoảng 1.200 chuyến bay chuyển sân (bay rỗng không có khách). Các hãng có chính sách bán vé khuyến mãi cho các chuyến bay lệch đầu với các mức giá 199.000 đồng, 900.000 đồng/lượt để tăng doanh thu.
Trong khi đó, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã dừng các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm điều hành 44 lượt chuyến cất/hạ cánh/giờ trong khung giờ ban ngày và 37 lượt cất/hạ cánh/giờ trong khung giờ ban đêm để phục vụ hành khách trong dịp Tết sắp tới.
Cảnh giác với vé máy bay giá rẻ
Dịp cao điểm đi lại Tết thường xảy ra tình trạng khan hiếm vé cục bộ. Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách nên trực tiếp mua vé qua các kênh như phòng vé, website, đại lý chính thức để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.
Các chiêu lừa đảo phổ biến là rao bán vé giá rẻ hơn so với giá của hãng hàng không. Khách đặt chỗ, chuyển tiền vẫn được xuất vé nhưng sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ hủy vé này (mất phí khoảng 10% giá trị vé). Khách không hề biết vì giao dịch trong hệ thống vẫn do đối tượng lừa đảo thực hiện.
Một hình thức lừa đảo nữa là khi khách tiến hành mua vé qua một đơn vị trung gian, thanh toán và được xuất vé bình thường. Sau đó, đối tượng đổi tên người bay để bán cho khách khác (mất phí không đến 300.000 đồng). Mỗi vé có thể làm thủ tục đổi tên nhiều lần.
Với cả 2 hình thức nêu trên, chỉ đến khi ra sân bay, khách mới biết vé không còn giá trị. Ngoài ra, còn một hình thức lừa đảo khá phổ biến khác là lợi dụng chính sách thanh toán trong 24 giờ kể từ khi đặt chỗ, đối tượng làm thủ tục mua vé và chuyển cho khách mã đặt chỗ rồi yêu cầu chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của chúng - thay vì chuyển thẳng vào tài khoản bán vé của hãng hàng không (vì khách không trực tiếp mua vé của hãng). Khi khách chuyển tiền, đối tượng lửa đảo không thanh toán với hãng mà ăn chặn số tiền này nên vé đặt chỗ của họ bị hủy.
Hà Nội: Tăng hơn 1.000 lượt xe
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, cho biết dịp Tết nguyên đán 2018, đơn vị sẽ tăng cường hơn 1.000 lượt xe cho các bến cũng như huy động xe dự phòng để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Trong đó, dự kiến Bến xe Giáp Bát tăng 844 lượt xe, Bến xe Mỹ Đình tăng lượt 668 xe, Bến xe Gia Lâm tăng 268 lượt xe…
Theo ông Toàn, một số tuyến đi Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào từng thời điểm. Vì thế, công ty đã tính đến việc huy động số xe dự phòng để bảo đảm vận chuyển hết khách trong ngày.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe khách Giáp Bát, cho rằng theo quy định, muốn tăng giá vé, các nhà xe phải đăng ký với cơ quan chức năng, từ khi đăng ký đến lúc phát vé là 7 ngày. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đơn vị nào thông báo tăng giá vé. Còn theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe khách Mỹ Đình, xe bến này đa phần chạy các tuyến ngắn nên giá vé sẽ không có nhiều biến động. Đến nay, vẫn chưa có nhà xe nào ở bên này đề xuất tăng giá vé.
Đối với ngành đường sắt, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết đơn vị sẽ tổ chức chuyển đổi vé giường tầng 1 thành 3 vé ghế ngồi ở các đoàn tàu Thống Nhất chạy trong thời gian cao điểm từ ngày 2-2 đến hết 4-3 (tức 17 tháng chạp năm Đinh Dậu đến 17 tháng giêng năm Mậu Tuất). Bên cạnh đó, công ty sẽ tổ chức bán vé ghế phụ có giá bằng 80% vé ghế ngồi cứng. Ngành cũng tổ chức bán vé không chỗ cho trẻ em đi cùng người lớn mua vé giường nằm hoặc ghế ngồi. Mỗi người lớn được kèm một vé trẻ em không chỗ. Giá vé không chỗ của trẻ em bằng 60% giá vé ngồi cứng.
Bình luận (0)