Mỗi năm có hơn 20 cơn cuồng phong đi vào biển Đông, trong đó nhiều cơn dấy lên sóng thần, tàn phá khủng khiếp. Dù chuẩn bị kỹ càng đến đâu cũng không thể tránh né hoặc ngăn chặn được cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà đi biển xưa và những nhà khoa học khí tượng thủy văn thường lấy tên các vị thần cổ đại đặt cho các cơn bão, thậm chí những vị thần biểu tượng cho sự hung ác.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực phải hứng chịu cả chục cơn bão mỗi năm. Chúng ta hẳn chưa quên nỗi mất mát từ bão Chanchu năm 2006, sau khi quét qua Philippines thì đổ bộ vào Việt Nam gây ra cái chết của 226 người. Không lâu sau, bão Xangsane lại ập vào cướp đi sinh mạng của 70 người... Mỗi năm Việt Nam có khoảng 400 người chết do thiên tai, thiệt hại kinh tế từ 1%-1,5% GDP. Riêng năm 2017, thiên tai làm chết 386 người, thiệt hại 60.000 tỉ đồng.
Thiên tai thì phải ứng phó và biện pháp tốt nhất chính là phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại. Rừng luôn là lá chắn tốt nhất trước gió bão, ngăn sạt lở đất, chặn nước dâng... Nhưng lá chắn tự nhiên này tại nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua đã bị tàn phá không thương tiếc với bao nhiêu lý do khiên cưỡng và được cấp phép của chính quyền địa phương trong vỏ bọc phát triển kinh tế. Nhiều cánh rừng phòng hộ ở Phú Yên đã bị hạ bởi các dự án du lịch ven biển. Khai thác titan cũng không kém nhiệt tình đào bới, triệt hạ rừng sát biển tại nhiều tỉnh miền Trung. Những vụ việc này chính quyền quá rõ nhưng nỗi bất an về thiên tai dễ dàng bị khỏa lấp bằng các con số từ những dự án kinh tế mà chẳng ai biết đâu là sự thật.
Thảm họa của thiên tai càng lớn khi cộng hưởng với những nhân tai được gầy dựng kém suy xét. Gần nhất là từ vụ vỡ đập thủy điện kinh hoàng tại Lào, một lần nữa đã dấy lên lo ngại từ các đập thủy điện phát triển ồ ạt trong thời gian qua tại khu vực. Không có gì là tuyệt đối an toàn, cũng không có sự cam đoan nào đánh đổi được bằng tính mạng của người dân.
Theo thống kê của Chính phủ, hiện trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Phần lớn các hồ thủy lợi đã xây dựng từ lâu, xuống cấp, không phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan, gây mất an toàn đến tính mạng và tài sản ở hạ du. Trong số hồ trên, có 385 công trình thủy điện đang vận hành.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương vào đầu tháng 8-2018, về mặt kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập thủy điện tương tự như đối với hồ chứa thủy lợi. Thế nhưng, Luật Thủy lợi hiện hành không có quy định về vận hành và quản lý an toàn đập thủy điện. Không ít thủy điện nằm trong vùng có động đất, mà điển hình là thủy điện Sông Tranh 2. Mới nhất, ngày 26-9, tại thủy điện này xảy ra một trận động đất 3,1 độ Richter. Đây là vụ động đất thứ 74 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 từ năm 2017 đến nay.
Phòng chống thiên tai phải đặt trong tâm thế sinh tử. "Chúng tôi rất tiếc..." là cụm từ không ai muốn nghe sau mỗi tai họa đầy tang thương.
Bình luận (0)