Chiều 18-11, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thành - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ - cho biết đã xử lý kỷ luật 5 cá nhân tại Thanh tra TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo yêu cầu trong công văn của Bộ Công an gửi về.
Theo đó, ông Trần Phước Hoàng (Chánh Thanh tra TP Cần Thơ), ông Bùi Xuân Thành (thanh tra viên chính) và 3 cá nhân tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính đều nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Theo một nguồn tin, hiện UBND TP Cần Thơ cũng đang làm quy trình để xử lý về mặt chính quyền.
Liên quan đến sai phạm tại Sở Y tế, các cá nhân tại Thanh tra TP Cần Thơ làm thất lạc tài liệu
Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), liên quan đến vụ án "Vi phạm đấu thầu gây hậu hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, C03 cho rằng Thanh tra TP Cần Thơ từng thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại Sở Y tế và phát hiện ra sai phạm, nhưng do không thẩm định được giá, làm thất lạc tài liệu nên không có cơ sở kiến nghị xử lý.
Bị can Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu, nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ. Ảnh: Bộ Công an
Ngoài ra, C03 cũng xác định trách nhiệm của các cá nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư và, Sở Tài chính. Những cá nhân này đã chủ trì, tham gia ý kiến trong việc thẩm định chủ trương đầu tư, quyết định dự án và dự toán nhưng đã tin tưởng các đơn vị thẩm định, tài liệu và đề xuất của Sở Y tế. Từ đó dẫn đến không phát hiện các vi phạm.
Cơ quan điều tra cho rằng, nhóm cán bộ nêu trên có dấu hiệu "thiếu trách nhiệm" dẫn đến không kiến nghị xử lý sai phạm theo quy định. Do đó, C03 đã có văn bản đề nghị Thành ủy Cần Thơ xem xét xử lý nghiêm khắc về mặt Đảng và chính quyền đối với các cá nhân trên.
Như đã thông tin, C03 vừa hoàn thành kết luận, đề nghị truy tố Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu (đều là nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ) và Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Công ty NSJ Group) cùng 17 bị can về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo kết luận, bị can Bùi Thị Lệ Phi là người đứng đầu Sở Y tế, chịu trách nhiệm quản lý vốn của nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, là đại diện chủ đầu tư ký trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, bố trí vốn cho 4 gói thầu. Bị can Phi cũng ký các quyết định chỉ định thầu thuê tư vấn thẩm định giá và chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu.
Tuy nhiên, trong quá trình đấu thầu, cựu giám đốc Sở Y tế đã có hành vi trao đổi, bàn bạc với Nga (đại diện thầu) thống nhất về danh mục hàng hóa đầu tư, giá trị thiết bị để tạo điều kiện cho Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng 4 gói thầu.
Cơ quan điều tra còn cho rằng đủ căn cứ xác định, dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi tổ chức đấu thầu, cựu giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi đã nhận 3 tỉ đồng cho cá nhân mình và 200 triệu cho sở từ Nga.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của cựu giám đốc Sở Y tế Cần Thơ có vai trò chủ mưu cầm đầu và có yếu tố vụ lợi trong vụ án này. Hành vi của bị cáo Phi đã gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 33 tỉ đồng.
Đối với cựu giám đốc Sở Y tế Cao Minh Chu, giai đoạn từ tháng 11-2011 đến tháng 1-2020 với vai trò là phó giám đốc, trưởng ban quản lý dự án, bị can Chu chịu trách nhiệm lập hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu… song bị can Chu cùng với bị can Phi đã có hành vi bàn bạc với Nga để tạo điều kiện cho công ty của Nga trúng thầu. Ngoài ra, kết quả điều tra đủ căn cứ xác định bị can Chu đã nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ nhưng không chứng minh được việc sử dụng số tiền này nên ông phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo kết luận, từ năm 2017-2019, bị can Nga và đồng phạm đã thông đồng với cựu lãnh đạo Sở Y tế, đơn vị thẩm định giá từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư, lập dự án, lập dự toán đến thẩm định giá… để công ty của mình trúng 4 gói thầu cung cấp thiết bị y tế tại Cần Thơ với tổng trị giá hơn 89 tỉ đồng. Trong đó, một gói thầu ở Bệnh viện Tim trị giá hơn 37 tỉ và 3 gói thầu tại Bệnh viện Nhi trị giá gần 52 tỉ đồng.
Bình luận (0)