Thời gian tới, tiêu chí đánh giá dịch bệnh sẽ chú trọng đánh giá số liệu ca nhập viện, ca bệnh nặng và tử vong do dịch Covid-19 thay vì dựa vào ca mắc mới trên 100.000 dân/tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo có thể xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới, cần cảnh giác trước một đợt dịch thứ 5 luôn rình rập.
75% người trên 18 tuổi sắp tiêm đủ vắc-xin
Sáng 25-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh sau hơn 5 tháng chống dịch quyết liệt. Số ca nhiễm ở các địa phương có số ca lớn như TP HCM, Bình Dương... đã giảm sâu. "Những thuốc chống virus uống tại nhà và vắc-xin đã giảm các ca trở nặng và tỉ lệ tử vong. Đến hết tháng 11, cơ bản chúng ta đạt tiêu chí hơn 75% người trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vắc-xin" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, qua phân tích dữ liệu các ca tử vong tại TP HCM, trên 50% chưa tiêm vắc-xin, tiêm chưa đủ mũi, phần lớn người tử vong từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền. Vì thế, các địa phương phải sớm bao phủ 2 mũi vắc-xin trong cộng đồng và tăng cường hệ thống y tế để theo dõi ca bệnh. Thời gian qua, thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng. Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỉ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, giảm tỉ lệ tử vong lên đến 50% so với nhóm không sử dụng Molnupiravir. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã chuẩn bị một số loại thuốc có thể thay thế Molnupiravir, trong đó có thuốc kháng virus của Nhật. "Ngày 25-11 có thêm lô thuốc kháng virus Avigan điều trị Covid-19 từ Nhật Bản về Việt Nam. Lô thuốc này được phân bổ cho các địa phương, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ" - ông Sơn khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cảnh báo về tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp. Theo ông Sơn, thời gian qua, tỉ lệ ca mắc gia tăng tại nhiều địa phương, số tử vong tăng và đã 3-4 ngày vượt mốc 3 con số. Một số quốc gia như Nhật Bản đang giảm nhanh ca mắc Covid-19; nhưng dịch vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu, Hàn Quốc và nhiều quốc gia. "Tổ chức Y tế thế giới dự báo có nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch thứ 5, chúng ta cũng phải đối đầu với thách thức này" - ông Sơn thông tin. Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, cần tập trung đánh giá tỉ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh. Đồng thời, khuyến khích người dân tự phát hiện nhiễm, thông báo cho cơ quan y tế, khi có triệu chứng thì đến bệnh viện điều trị.
Cuối tháng 11, Bộ Y tế sẽ có một số điều chỉnh về chiến lược tổng thể phòng chống Covid-19 trong đó có những tiêu chí thích ứng này. Do đó, các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch theo cấp tỉnh, huyện, xã… chia nhỏ để đánh giá theo 4 cấp độ.
Chăm sóc bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương Ảnh: Anh Thư
Cử chuyên gia hỗ trợ sự cố khi tiêm vắc-xin ở Thanh Hóa
Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Bạch Mai về việc tăng cường cấp cứu, điều trị các trường hợp sự cố tiêm chủng vắc-xin Covid-19 tại tỉnh Thanh Hóa. Công văn được ban hành ngay sau khi Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa về sự cố tiêm chủng xảy ra tại huyện Nông Cống.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn phối hợp, tập trung mọi nguồn lực theo dõi sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho các trường hợp gặp sự cố tiêm chủng. Cùng đó, chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, khắc phục các nguy cơ chưa an toàn theo hướng dẫn, nếu không đạt thì tạm đình chỉ để bổ sung, chấn chỉnh. Trước đó, ngày 23-11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tổ chức tiêm vắc-xin mũi 2 tại Công ty TNHH Giầy Kim Việt cho công nhân, người lao động. Tất cả những người đăng ký tiêm chủng đều được cán bộ y tế khám sàng lọc đầy đủ, tư vấn về loại vắc-xin tiêm chủng lần này. Trong quá trình tổ chức tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm. Trong đó, có 10 trường hợp xuất hiện triệu chứng nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ sau tiêm. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa huy động tối đa các điều kiện trang thiết bị, thuốc và nhân lực tốt nhất để cấp cứu, điều trị nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, diễn biến quá nhanh của phản vệ nên có 3 trường hợp tử vong; 1 trường hợp nguy kịch, 6 bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, điều trị.
Bộ Y tế cho biết ngày 25-11, nước ta ghi nhận 12.450 ca mắc Covid-19 tại 59 tỉnh, thành, trong đó 6.842 ca ở cộng đồng. Đến nay, nước ta có hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19, hơn 24.000 ca tử vong. Hiện hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng. Tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Đến nay, nước ta đã tiêm gần 114,6 triệu liều vắc-xin, trong đó hơn 46,1 triệu người tiêm đủ 2 liều.
Giúp F0 điều trị tại nhà sớm tiếp cận hệ thống y tế
Tại buổi họp báo chiều 25-11, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết thành phố hiện có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. Số lượng F0 đang có xu hướng gia tăng, kéo theo ca tử vong là người trên 65 tuổi, người chưa tiêm vắc-xin tăng nhẹ. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Tư lệnh, Sở Y tế tăng cường lực lượng để hỗ trợ địa phương, giúp F0 sớm tiếp cận trạm y tế địa phương, trạm y tế lưu động, đồng thời cung cấp đầy đủ thuốc chữa trị. Chiều cùng ngày, Ủy ban MTTQ TP HCM - Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thành phố đã tổ chức lễ tiếp nhận 10.000 ống thuốc Cytoflavin điều trị Covid-19 do Công ty STPF Polysan (Liên bang Nga) tài trợ; tiếp nhận hơn 130 triệu đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 từ Công ty CLC VNEX - AVIDA; Công ty CP Truyền thông Vàng châu Á và Hội Sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM.
H.Yến - P.Anh
Bình luận (0)