Sau gần 3 năm ứng phó với dịch COVID-19, trong đó hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, Việt Nam đã thích nghi với cuộc sống bình thường mới, mở cửa đất nước. Bộ Y tế cho biết dịch COVID-19 ở nước ta đang được kiểm soát tốt.
Biến thể XBB dễ lây lan
Theo Bộ Y tế, trong 2 tháng qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm sâu. Đáng chú ý, 1 tuần qua, số trường hợp mắc mới luôn ở dưới mốc 100 ca và không có người tử vong do COVID-19.
Kể từ thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 11,5 triệu người mắc nhưng đã có trên 10,6 triệu người được điều trị khỏi bệnh.
Nước ta đã tiêm hơn 265,5 triệu liều vắc-xin COVID-19. Trong đó, tỉ lệ tiêm đủ 3 mũi với người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80%, nhóm 12-17 tuổi là trên 68%. Riêng nhóm trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi có 92% tiêm mũi 1.
Tiêm vắc-xin mũi nhắc lần 3 cho người lớn tuổi, mắc bệnh nền tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin cao nhất thế giới. Nhờ vậy, dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước nhưng dịch trong nước đang được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, vừa qua, biến thể phụ XBB đã xuất hiện ở TP HCM và Tây Ninh. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc-xin giảm dần theo thời gian; một số nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng chống dịch sẽ dẫn đến nguy cơ số ca mắc gia tăng. Do đó, Việt Nam vẫn phải cảnh giác với dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 500 biến thể của virus SARS-CoV-2. Biến thể phụ XBB được ghi nhận từ tháng 10-2022 và đến nay đã lây lan ở hơn 70 quốc gia.
Ông Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá sự xuất hiện của biến thể mới này cho thấy đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. "Bất cứ nơi nào có COVID-19 đang lưu hành, ở đó sẽ hiện diện nguy cơ gia tăng số ca mắc mới và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm" - ông Angela Pratt nhấn mạnh.
Từ tháng 6-2022, Omicron là biến thể đáng quan ngại duy nhất lưu hành trên toàn cầu. Tuy nhiên, từ Omicron, các nghiên cứu đã cho thấy sự xuất hiện của một số biến thể phụ, bao gồm XBB. Đây là biến thể tái tổ hợp, được kết hợp từ 2 biến thể phụ khác của Omicron.
Biến thể XBB và các biến thể phụ của nó đã được phát hiện tại hơn 10 quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và sẽ tiếp tục lây lan trong thời gian tới. "Dựa trên những nghiên cứu đã biết, hiện biến thể XBB và các biến thể phụ của nó dễ lây lan hơn các biến thể phụ khác" - ông Angela Pratt lo ngại.
Duy trì các biện pháp phòng ngừa
Theo đại diện WHO, dù các nghiên cứu đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về khả năng tránh miễn dịch của biến thể XBB nhưng đến nay, không có bằng chứng về sự thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh do biến thể này gây ra. Các biện pháp chẩn đoán và bảo vệ hiện tại vẫn có hiệu lực, bao gồm việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
"WHO tiếp tục khuyến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa COVID-19 là đeo khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao như chỗ đông người và trong không gian kín; rửa tay thường xuyên. Cả người lớn lẫn trẻ em hãy bảo đảm rằng mình đã được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi cơ bản lẫn mũi nhắc lại theo khuyến nghị của cơ quan y tế" - ông Angela Pratt nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề này, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, dự đoán trên 90% người dân Việt Nam đã có miễn dịch do tiêm vắc-xin hoặc từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, Việt Nam sắp đón Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển nhiều nên người dân vẫn cần cảnh giác, có ý thức bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra ngoài, không chỉ phòng COVID-19 mà còn ngừa nhiều bệnh hô hấp khác. Đặc biệt, người già, người miễn dịch yếu, có bệnh nền cần hạn chế đi lại.
Đeo khẩu trang nơi đông người là biện pháp phòng ngừa COVID-19 cần được duy trì. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 ở TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nhiều nước vẫn cảnh giác với các biến chủng mới của COVID-19. Hôm 28-12-2022, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết nước này ghi nhận 415 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong ngày - mức cao nhất tại quốc gia này từ trước đến nay. Vì thế, Việt Nam phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt.
"Phòng bệnh linh hoạt không phải là cấm đoán mà cần đánh giá đúng nguy cơ và thực hiện đúng các biện pháp dự phòng. Thực tế, chúng ta đã chuyển trạng thái từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch" - PGS-TS Trần Đắc Phu nhận định.
TP HCM tiêm vắc-xin COVID-19 xuyên Tết
Theo Sở Y tế TP HCM, từ giữa tháng 11-2022 đến nay, trung bình mỗi tuần, TP HCM có 208 ca mắc COVID-19 mới - thấp hơn thời gian trước đó (trung bình mỗi tuần 301 ca). Bên cạnh đó, số ca nặng điều trị tại các bệnh viện cũng có dấu hiệu giảm nhẹ, hiện còn 7 trường hợp (do bệnh nền đi kèm). Trong đó, 4 trường hợp do bệnh viện tỉnh chuyển đến.
Theo Sở Y tế, hiện miễn dịch cộng đồng đối với COVID-19 tại TP HCM đạt 98,7%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ cộng đồng của vắc-xin sẽ giảm theo thời gian nếu người dân không tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho rằng vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả cao trong việc kiểm soát số ca mắc, ca bệnh nặng và tử vong. Do đó, ngành y tế TP HCM sẽ duy trì tất cả các điểm tiêm vắc-xin cố định tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ngay trong dịp Tết Nguyên đán 2023 nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp cận tiêm chủng xuyên Tết.
"Những người thuộc nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền) cần được tiêm nhắc đầy đủ để củng cố miễn dịch" - bác sĩ Nga khuyến cáo.
PGS-TS-BS TRẦN VĂN NGỌC - Phó Chủ tịch Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Hô hấp TP HCM:
Khó có làn sóng dịch mới
Khi Trung Quốc mở cửa biên giới, dự báo nhiều người sẽ sang Việt Nam du lịch, làm việc. Vì vậy, dự báo có thể số người mắc COVID-19 sẽ tăng trong thời gian tới.
Hiện người dân Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng đã có kháng thể khi vừa từng bị nhiễm vừa tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ nên khó có khả năng dịch lây lan, tạo ra làn sóng mới. Tuy nhiên, sẽ có đợt bùng phát nhỏ lẻ từng nơi.
Để phòng ngừa COVID-19, chúng ta cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện trước đó như: đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, tiêm đầy đủ vắc-xin… Lưu ý, đối với các trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19, cần lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gien để xác định biến chủng nhằm có biện pháp cảnh báo, kịp thời đối phó.
Đối với việc tiêm ngừa vắc-xin phòng COVID-19, về lâu dài, miễn dịch ở một số đối tượng sẽ giảm dần theo thời gian. Người trẻ có thể miễn dịch kéo dài nhưng người lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, miễn dịch sẽ suy giảm nhanh. Do đó, đây là những đối tượng có nguy cơ cao khi mắc COVID-19. Chúng ta cần lưu ý những đối tượng này để kịp thời phát hiện, điều trị khi họ mắc bệnh.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng Khoa Y tế Công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM:
Vắc-xin COVID-19 vẫn còn khả năng bảo vệ
Biến thể phụ XBB có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng người dân không nên quá lo lắng. Bởi lẽ, các vắc-xin phòng COVID-19 hiện vẫn có khả năng bảo vệ người bệnh không bị chuyển nặng hay tử vong.
Để đối phó với biến thể của COVID-19, cần duy trì những biện pháp phòng chống dịch đã và đang được khuyến cáo: đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, không tụ tập đông người nếu không cần thiết, đặc biệt phải tiêm vắc-xin COVID-19 đủ liều theo khuyến cáo của ngành y tế.
Ngoài ra, người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe, tự xét nghiệm COVID-19 khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, đặc biệt là ở người có nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Liên Anh ghi
Bình luận (0)