Gần 50 ha rừng tự nhiên tại Tiểu khu 1685 thuộc địa phận xã Quảng Sơn và Đắk Ha (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) bị đốn hạ trong thời gian dài. Theo phản ánh của dân địa phương, việc phá rừng diễn ra nhiều ngày, tiếng cưa xăng, máy móc ầm ầm cả ngày, khói bốc cao hàng chục mét… Đặc biệt, các đối tượng đã đưa nhiều máy móc, phương tiện cơ giới vào phá rừng, làm đường, xây dựng đập thủy lợi. Các hạng mục đã thi công gồm một đoạn đường đất dài 300 m, một đập đất dài 18 m, rộng 6 m, cao 5 m, một hồ chứa nước rộng 150 m2…
Chậm xử lý vì… kiểm lâm không báo
Tình trạng phá rừng rầm rộ, công khai này đã được người dân báo cho cơ quan chức năng nhưng việc xử lý rất chậm. Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, cho biết vụ việc được Trạm Kiểm lâm Quảng Sơn (Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long) phát hiện vào đầu tháng 3 với tổng diện tích rừng bị phá là 46 ha. "Để xảy ra tình trạng phá rừng trên một diện tích lớn như vậy, trách nhiệm chính thuộc về Trạm Kiểm lâm Quảng Sơn không báo cáo kịp thời. Quá trình cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh thông tin do người dân cung cấp còn lúng túng, chậm trễ, để vụ việc kéo dài" - ông Thuần thừa nhận.
Rừng tự nhiên ở xã Trường Xuân bị tàn phá lấy đất trồng tiêu, khoai lang
Liên quan đến vụ phá rừng trên, công an đã bắt giữ 9 đối tượng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cũng đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 5 cán bộ kiểm lâm huyện Đắk G’long.
Tương tự, thời gian qua, trên địa bàn huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, trình trạng phá rừng lấy đất sản xuất cũng xảy ra nghiêm trọng. Cuối tháng 11 vừa qua, phóng viên đã đến địa bàn thôn 9 (xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) thì phát hiện nhiều cánh rừng nơi đây bị cạo trọc để trồng trọt. Những thân cây gỗ đường kính gần 1 m chưa kịp đốt hoặc vận chuyển nằm ngổn ngang giữa những vườn tiêu, khoai lang. Khu vực rừng bị tàn phá trên đã được bàn giao cho UBND xã Trường Xuân quản lý.
Rừng phòng hộ cũng không tha
Chỉ trong vòng hai tháng 8 và 9 đã xảy ra 6 vụ phá rừng phòng hộ với diện tích 2,13 ha nằm trong diện tích của Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa. Liên quan đến 6 vụ phá rừng này, Hạt Kiểm lâm huyện Đắk G’long xử lý 1 vụ với diện tích 0,155 ha và Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xử lý 5 vụ với diện tích 1,975 ha. Trong đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa đã lập hồ sơ chuyển cho cơ quan CSĐT Công an thị xã Gia Nghĩa 1 vụ mất rừng với diện tích 0,63 ha.
Mới đây, tổ công tác 1521 của UBND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo về kết quả kiểm tra 2,13 ha rừng bị phá nói trên. Báo cáo nêu rõ trong quá trình kiểm tra hiện trường 5 vụ mà Hạt Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xử lý, tổ công tác liên ngành của UBND thị xã Gia Nghĩa đã bắt được đối tượng phá rừng là Vừ Thị Pàng nhưng không chuyển cơ quan CSĐT để xử lý theo quy định. Đơn vị chủ rừng còn bị động trong công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng; chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý về bảo vệ rừng; việc xử lý các vụ phá rừng chưa nghiêm, không đủ sức răn đe.
Trước đó, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông tạm giao 175 ha đất rừng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý phục vụ diễn tập phòng thủ năm 2008. Đến tháng 5-2015, qua kiểm tra thì phát hiện 135,8 ha rừng bị phá sạch.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-11
Kỳ tới: Chi tiền tỉ bảo vệ,rừng vẫn mất
Vợ bí thư huyện ủy để mất rừng
Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông vừa phát hiện nhiều cán bộ và gia đình cán bộ huyện Tuy Đức được giao khoán rừng theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP trái quy định và để mất rừng tràn lan. Trong số đó có bà H’Yang là vợ ông K’Bốt, Bí thư Huyện ủy Tuy Đức và ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Đức. Cụ thể, bà H’Yang được giao 15,6 ha rừng thì để mất 11,8 ha. Ông Tân được giao 13,9 ha rừng thì để mất 1/2 diện tích.
Ông K’Bốt thừa nhận vợ không thuộc diện được giao rừng theo Nghị định 135 nhưng do đã canh tác từ trước nên năm 2007 thì được đơn vị quản lý rừng hợp thức hóa bằng cách giao khoán theo Nghị định 135. "Tôi đã làm giải trình, trong đó cũng nêu việc vợ tôi nhận khoán rồi không giữ được rừng là sai, vị phạm. Đất hiện còn đó, gia đình trồng cao su năm 2008 nên nhà nước xử lý ra sao thì gia đình chấp hành" - ông K’Bốt nói.
Điệp khúc "điều tra, xử lý"
Sau khi Báo Người Lao Động có bài viết "Lại rầm rộ phá rừng Tây Nguyên", ngày 30-11, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết UBND tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Ea H’leo. Còn theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, sở cũng đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh vào cuộc điều tra, xử lý vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên.
Liên quan đến vụ việc, ông Lê Thăng Long, Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, cho biết ngày 21-11, ông nhận được tin nhắn của người dân thông báo có bãi tập kết gỗ lậu trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả. Ngay sau đó, ông Long đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, công an huyện, chính quyền địa phương tới hiện trường làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo thì ngày 21-11, hạt này nhận được tin báo có bãi tập kết gỗ từ người dân và không hề nhắc đến việc tiếp nhận thông tin và chỉ đạo của chủ tịch UBND huyện(?).
"Để rừng bị phá, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng và lực lượng kiểm lâm. UBND huyện cũng chỉ đạo công an huyện vào cuộc điều tra, nếu có căn cứ tiếp tay cho việc phá rừng thì xử lý hình sự đối với chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, còn không sẽ xử lý hành chính theo quy định" - ông Long nói.
Bình luận (0)