Sáng 6-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, với sự tham dự của 18.000 đại biểu ở 675 điểm cầu từ cấp xã tới trung ương, để bàn các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.
Kiến nghị "thiến" hóa học
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, số lượng thực tế trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhiều hơn số liệu báo cáo do trẻ em và gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, ngại tố giác vì sợ lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải. Bà Hà cho rằng vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đối tượng Phạm Văn Tuấn (ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) bị bắt vào tháng 3-2018 về hành vi hiếp dâm trẻ em. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn LS TP HCM) kiến nghị cần tăng nặng hình phạt với các tội danh xâm hại tình dục trẻ em. Đối với tội danh cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em có nhiều tình tiết tăng nặng, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em, LS Nữ đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm ngặt hơn quy định hiện hành và cần bổ sung hình phạt "thiến" hóa học.
Theo LS Nữ, hiện nhiều quốc gia đã gắn chíp quản lý các đối tượng tội phạm này khi mãn hạn tù, do đó cần quản lý tội phạm 24/24 giờ như gắn chíp, vòng đeo để người dân nhận diện khi tiếp xúc nhằm phòng ngừa, hạn chế việc xâm hại tình dục trẻ em.
Cấp xã phải có nhân sự chuyên trách
Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị với sự tham gia của khoảng 18.000 người tại khoảng 700 điểm cầu truyền hình trực tuyến ở các xã, huyện của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Tham dự đông và nhiều thành phần như vậy để làm gì? Rút ra từ hội nghị này là chúng ta cần nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em, trước hết là 17 cơ quan có chức năng làm công việc này; phải có biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời và hiệu quả hơn.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em còn nhiều mặt hạn chế; bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một; cha mẹ, thành viên gia đình chưa quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. Thủ tướng băn khoăn về thực trạng hiện nay ở nhiều gia đình: "Bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời".
Khẳng định sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài, Thủ tướng nhấn mạnh đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. "Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội" - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em. Chủ tịch UBND cấp xã bố trí ngay người chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý vì hiện toàn quốc, nhân sự chuyên trách mới có 590/11.162, khoảng 5%. Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nhân viên y tế thôn, bản.
"Chứ chúng ta lo họp chuyện này, chuyện khác suốt, còn trẻ em thì không nhắc tới, coi là chuyện con nít thì làm sao chuyển biến được" - Thủ tướng bày tỏ và đề nghị các địa phương chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em.
Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát các quy định bảo đảm phù hợp với luật về trẻ em, tiếp tục hoàn thiện theo hướng: "Xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em phải nhanh chóng, thuận lợi, thân thiện và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em...".
Xâm hại tình dục chiếm 60%
Theo số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý, trong đó bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Sáu tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại; trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%. Đặc biệt, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân chiếm 21,3% và gần 60% bởi người quen, hàng xóm.
Bình luận (0)